63 là số điểm VN-Index mất đi sau nhịp điều chỉnh vừa qua. Con số này không quá lớn nếu so với mức tăng của chỉ số trong giai đoạn đi lên ròng rã suốt gần 4 tháng qua. Tuy nhiên, với nhiều nhà đầu tư, nhịp giảm này lại mang đến cảm giác có phần khốc liệt hơn bình thường. Vì sao lại như vậy?
Đầu tiên là sự bất ngờ. Đa phần nhà đầu tư đều hiểu rằng thị trường chắc chắn không thể cứ đi lên mãi mà không nghỉ nhưng ít người chuẩn bị cho một cú điều chỉnh đột ngột với tốc độ cao như vậy. Trong suốt quá trình đi lên trước đó, thị trường chỉ có vài quãng nghỉ ngắn với mức giảm nhẹ trong biên độ hẹp.
Thực tế, dù miệt mài tăng trong gần 4 tháng qua nhưng phần lớn thời gian thị trường đi lên trong nghi ngờ. Giai đoạn chân sóng, nhiều nhà đầu tư vẫn có tâm lý thận trọng, giải ngân dè dặt. Điều này thể hiện rõ qua nhịp độ giao dịch chậm rãi trên thị trường, thanh khoản khớp lệnh bình quân trên HoSE trong giai đoạn tháng 4-5 chỉ quanh quẩn 10.000 tỷ đồng/phiên.
Thị trường tiếp tục đi lên, tâm lý dần được cải thiện, nhà đầu tư xuống tiền ngày càng tự tin. Thế nhưng, đáng tiếc là nhiều cổ phiếu đã tăng rất mạnh, đặc biệt là nhóm đầu cơ với những cái tên quen mặt thường xuyên thu hút sự chú ý của nhà đầu tư đầu tư. Điều này khiến nhu cầu sử dụng đòn bẩy gia tăng mạnh nhằm “gỡ gạc”.
Nhiều nhà đầu tư chậm chân không muốn bỏ lỡ con sóng mạnh dạn hơn trong việc dùng margin để “gấp thếp”. Giao dịch trên thị trường cũng sôi động hơn, thanh khoản dần được đẩy lên quanh mức 15.000-16.000 tỷ trong giai đoạn tháng 6-7. Tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư thậm chí còn đẩy giá trị khớp lệnh nhiều phiên lên ngưỡng tỷ USD kể từ đầu tháng 8.
Thế nhưng, margin vốn là “con dao hai lưỡi”, giúp sức mua nở ra nhanh chóng khi cổ phiếu tăng nhưng cũng khiến tài khoản của nhà đầu tư vơi đi nhiều hơn trong các nhịp điều chỉnh. Cổ phiếu giảm 10-15% sau khi đã tăng 50-70% là điều bình thường trên sàn chứng khoán nhưng trong một số trường hợp lại mang đến cảm giác hụt hẫng rất lớn với nhà đầu tư.
Với những người mua sớm gần chân sóng, không dùng margin hoặc tỷ lệ đòn bẩy thấp, nhịp điều chỉnh đơn giản chỉ làm giảm số lãi trong tài khoản. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư ưa mạo hiểm, thích tốc độ cao, tài khoản gần như luôn trong tình trạng “full margin”, cú giảm vừa qua có thể thổi bay phần lớn số lãi trước đó, thậm chí âm vào vốn nếu đua lệnh mua giá cao.
Vòng luẩn quẩn, lặp đi lặp lại
Việc “full margin” ngay đỉnh hay cắt lỗ đúng đáy là điều không hiếm trên sàn chứng khoán, thậm chí phổ biến bởi yếu tố tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến hành động của các nhà đầu tư, đặc biệt là cá nhân.
Tâm lý hưng phấn cao độ dễ tạo cho nhà đầu tư cảm giác thị trường sẽ còn tăng lên những mốc đỉnh cao hơn nữa. Trong quá khứ, mỗi khi những thông tin tích cực được “bơm” ra liên tục củng cố nhận định thị trường sẽ còn tăng tiếp, thế nhưng thực tế lại thường không tốt như suy nghĩ của họ. Sẽ là rất tuyệt nếu nhà đầu tư đủ tỉnh táo, tiến hành chốt lời bảo vệ thành quả khi những dấu hiệu tạo đỉnh xuất hiện.
Thế nhưng, rất khó để một người đứng lên rời khỏi bữa tiệc khi không khí còn sôi động và nhà đầu tư chứng khoán cũng vậy. Khi chậm chân vào sau chưa kịp lãi nhiều, không dễ để quyết định rời cuộc chơi. Thay vì chốt lời bảo vệ thành quả, nhà đầu tư lại thường có xu hướng tận dụng sức mua nở ra khi cổ phiếu tăng để “gấp thếp” và luôn nghĩ rằng mình sẽ chạy kịp trước khi tiệc tàn.
Một điều cũng có thể dễ dàng nhận thấy về vùng đỉnh của thị trường là sự xuất hiện của một lớp nhà đầu tư mới, đa phần là không chuyên. Số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư thường tăng vọt khi thị trường đã tăng một đoạn nhất định. Hầu hết những nhà đầu tư này biết đến “sóng chứng khoán” khi các phương tiện truyền thông, mạng xã hội nhắc đến quá nhiều. Đây cũng là lúc rủi ro đang dần tăng lên cho những người đến sau.