Nông dân trồng tiêu, cà phê kỳ vọng giá tốt hơn
Cuối tuần qua, giá cà phê trên sàn giao dịch London (Anh) đã lấy lại mốc 5.000 USD/tấn, sau khi giảm mạnh vì thuế đối ứng do Mỹ công bố trước đó. Tại Tây nguyên, giá cà phê cũng tăng liên tiếp 3 ngày với tổng cộng từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, lên mức bình quân 125.000 đồng/kg. Tương tự, giá hồ tiêu cũng tăng đến 8.000 đồng so với hồi đầu tuần, lên 156.000 đồng/kg.
Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ công bằng Eatu (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), cho hay: Giá tiêu, cà phê đầu tháng này giảm mạnh vì có thông tin Mỹ áp thuế đối ứng. Nhưng mấy hôm cuối tuần qua đã tăng trở lại; một phần vì Mỹ hoãn thuế và một yếu tố khác không kém phần quan trọng là những người còn giữ cà phê tới giờ này đều có tiềm lực tài chính tốt. Giá không ở mức kỳ vọng thì họ không bán hoặc chỉ bán nhỏ giọt nên sớm muộn gì cũng sẽ tăng lại. Thực tế, lượng hàng trong dân không còn nhiều, chỉ khoảng 20 - 30%, trong khi vụ thu hoạch tiếp theo phải tới đầu tháng 11.2025. Ngoài ra, trước khi thu hoạch cà phê, người dân Tây nguyên còn đang chuẩn bị đón mùa sầu riêng.

Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang tận dụng 90 ngày hoãn thuế để hoàn thành các hợp đồng đã ký
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đắc Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại Nga Thanh - doanh nghiệp thu mua nông sản địa phương ở H.Krông Nô (Đắk Nông), nói: Hiện nay, thị trường nông sản Tây nguyên đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Ngày xưa khi giá "rớt" thường xuất hiện tình trạng bán tháo ồ ạt, nhưng vừa qua giá giảm đến cả chục ngàn đồng, nông dân vẫn không bán ra. Vừa rồi, giá tăng lại nhưng thị trường vẫn tiếp tục "đóng băng" vì chưa bằng mức giá bình quân tháng trước là 130.000 đồng/kg. Lượng hàng hóa trong dân và các đại lý còn khoảng 30 - 40% tổng sản lượng. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cơ bản đã đủ lượng hàng cho các hợp đồng đã ký. Do có thông tin và tài chính tốt nên nhiều nông dân không còn tâm lý hoảng loạn như trước. Còn các đại lý và doanh nghiệp trung gian trải qua nhiều sóng gió nên cũng thận trọng hơn rất nhiều.
"Trong thời gian qua, chúng ta đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế, nên nhu cầu với hàng VN rất cao. Trong khi đó, nông dân có nhiều nguồn thu nhập tốt từ nhiều loại nông sản khác như sầu riêng, hồ tiêu; những yếu tố này tạo nên khả năng "kháng cự" với sự biến động giá thời gian qua", ông Nguyễn Đắc Đạt nhận định.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, khẳng định: Các mặt hàng cà phê hay hồ tiêu đang bị chi phối nhiều bởi yếu tố nguồn cung thấp hơn cầu. Với cà phê, VN là nguồn cung lớn thứ 2 thế giới và hồ tiêu đứng thứ nhất nên tác động của thuế đối ứng là không nhiều. Bên cạnh thị trường Mỹ, chúng ta có nhiều thị trường quan trọng khác, đặc biệt là EU và các thị trường mới nổi ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN… Quy luật cung cầu sẽ giúp giữ giá cà phê, hồ tiêu duy trì mức cao.

Nguồn cung cà phê hạn chế giúp nông dân tự tin về một mức giá tốt hơn
ẢNH: HOÀNG NGUYỄN
"Tôi nghĩ rằng VN đã có những phản ứng rất tích cực trên tinh thần xây dựng và hợp tác với vấn đề thuế đối ứng của Mỹ. Điều này sẽ giúp chúng ta có thể kỳ vọng vào một mức thuế hợp lý hơn trên bàn đàm phán. Bên cạnh đó, đây cũng là những mặt hàng đặc thù của xứ nhiệt đới mà Mỹ không có khả năng sản xuất hay lợi thế cạnh tranh. Mặt khác, đây lại là những nhóm hàng mang tính thiết yếu với nhiều người Mỹ nên có khả năng sẽ có ngoại lệ về thuế", ông Đỗ Hà Nam nhận định.
VN là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng quốc tế
Đó là nhận định của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại VN (EuroCham) trong Sách Trắng 2025 công bố cuối tuần trước. Lãnh đạo tổ chức này nhấn mạnh: "Chính sự ổn định, tiềm năng tăng trưởng và khả năng thích ứng nhanh của VN đã thu hút sự quan tâm ngày càng lớn từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu".
Theo Sách Trắng, điểm nổi bật là những kết quả tích cực sau 5 năm triển khai Hiệp định Thương mại tự do VN - EU (EVFTA). Đáng chú ý, trong năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 16%, đạt mức kỷ lục 68 tỉ USD. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2025, EU đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của VN, với kim ngạch đạt 8,8 tỉ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, về đầu tư trực tiếp từ châu Âu tính đến tháng 9.2024, có 2.625 dự án với tổng vốn đăng ký gần 30 tỉ USD, chiếm 6,08% tổng FDI ở VN. EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 tại VN. Bên cạnh đó, chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) của EuroCham đạt 61,8 điểm - mức cao nhất kể từ đầu năm 2022. Nhờ vậy, hơn 70% nhà đầu tư có kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động trong thời gian tới và có đến 3/4 doanh nghiệp châu Âu sẵn sàng giới thiệu VN là điểm đến đầu tư.
Sách Trắng 2025 đóng vai trò như một công cụ thiết thực để EU và VN rà soát lại các điểm nghẽn, tận dụng cơ hội và phối hợp hành động theo phương châm thực chất, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" với mục tiêu giữ vững đà tăng trưởng và duy trì niềm tin trong một giai đoạn không dễ đoán định.
Phát biểu tại lễ công bố Sách Trắng 2025, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại VN, nhấn mạnh: VN đang nắm giữ nhiều lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được. Đó là vị trí địa chiến lược, trữ lượng đất hiếm lớn, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, lực lượng lao động dồi dào và một Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trên mọi chặng đường phát triển. Khả năng thích ứng, thu hút đầu tư và duy trì đà tăng trưởng sẽ là yếu tố then chốt định hình tương lai dài hạn của VN. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính là "chìa khóa" để mở rộng không gian tăng trưởng. 7 năm tới sẽ là giai đoạn then chốt cho VN tăng tốc phát triển hạ tầng và củng cố các cơ chế quản lý để đạt các mục tiêu tăng trưởng.
Gạo, tôm vẫn LẠC quan
Tại vựa lúa ĐBSCL, ông Nguyễn Vĩnh Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết: Hiện nay, các khách hàng truyền thống như Philippines, châu Phi đang tăng mua. Trong khi đó, vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm là đông xuân đã kết thúc, khiến nguồn cung hạn chế nên giá đang ở mức cao và có xu hướng tiếp tục tăng. Đặc biệt, hiện nay nhu cầu gạo thơm chất lượng cao cả nội địa và xuất khẩu tốt nên giá liên tục tăng. Cụ thể, gạo nguyên liệu ST25 lên đến 25.000 đồng/kg.
Đối với mặt hàng tôm, theo ông Trần Anh Khoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau): Tận dụng lợi thế ở địa phương là nuôi tôm sú quảng canh, nên thế mạnh của công ty là mặt hàng tôm sú xuất khẩu đi thị trường châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và đặc biệt là Trung Quốc. Từ sau tết âm lịch đến nay, thị trường vẫn phát triển tốt, ổn định. Giá tôm nguyên liệu vẫn duy trì mức cao, cụ thể như tôm loại 20 con mức 240.000 - 250.000 đồng/kg, loại 30 con 190.000 đồng/kg. Đối với tôm thẻ, một số địa phương đang vào vụ nên có sự biến động tùy địa phương và chất lượng nhưng cơ bản vẫn tốt.