Trong khi đó, hiện đã có khoảng 75% hộ dân trong các khu tập thể xuống cấp đã được di dời đến các khu tái định cư này.
Những vết bong tường chạy dài cả mảng. Trần của nhà sinh hoạt cộng đồng thủng lỗ chỗ. Nước không biết từ đâu, thấm ra ẩm mốc cả cột trụ của tòa nhà. Có 2 thang máy thì chỉ còn 1 thang hoạt động… Đó là thực trạng của các khối nhà tạm cư CT1 A, B, C tại KĐT thành phố giao lưu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Những ô cửa sổ không có khung gỗ và mất luôn cả khung sắt là thực trạng của nhà chung cư A1 Phú Thượng Tây Hồ, một trong những chung cư thuộc diện được lựa chọn làm nhà tạm cư cho các hộ dân phải di dời khỏi các nhà tập thể cũ nguy hiểm.
Nước thải từ tầng trên, thấm dột và chảy thành vũng xuống nhà để xe. Tòa A1, A2 Phú Thượng, quận Tây Hồ, đưa vào sử dụng đến nay đã khoảng 16 năm. Dấu hiệu của sự xuống cấp thể hiện rất rõ ngay bên ngoài tòa nhà. Chung cư có 6 tầng và không có thang máy.
Những căn nhà để tạm cư hiện đều là các căn chung cư tái định cư. Nhiều căn đã được đưa vào sử dụng từ nhiều năm và nguồn kinh phí bảo trì rất hạn chế. Một số các chung cư tạm cư khác có chất lượng tốt hơn như tại Lô E Yên Hòa thì hiện đã hết chỗ.
Đối với chính quyền, công việc tăng lên gấp bội, không chỉ cải tạo nhà tập thể xuống cấp mà sẽ còn phải cải tạo cả nhà tạm cư xuống cấp.
Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 1.500 căn tập thể, chung cư cũ được xây dựng từ năm 1954 đến 1994. Khối lượng hộ dân phải di dời là khá lớn đồng nghĩa cần một lượng nhà tạm cư không nhỏ để di dời người dân.
UBND quận Ba Đình đang kiến nghị với TP đưa vào tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cải tạo chung cư cũ phải có nhà tạm cư, có thể là các đơn vị kinh doanh bất động sản đã có sẵn các chung cư, để có thể thuận lợi hơn trong công tác di dời người dân khói các tập thể cũ nguy hiểm.