Một bữa tiệc nhỏ không chỉ giúp gắn kết mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên với nhau hơn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều giao dịch kinh doanh, đồng thời cũng là một dịp quan trọng để làm quen với mọi người. Các bữa ăn tối rất quan trọng trong việc gắn kết mọi người lại với nhau, đặc biệt là dân công sở, nhưng nhiều người lại không biết tận dụng những bữa tiệc như vậy một cách hiệu quả, cuối cùng tự chuốc họa vào thân, mang về cho mình những rắc rối không đáng có.
Vì sao có một số người rất dễ dàng kết thêm bạn mới trong các bữa tiệc, còn một số người thì lại đụng này vỡ kia, chẳng thu hoạch được gì còn hại mình thêm tổn thất? Lý do có thể là họ đã vô ý nhắc đến công việc khi đang dùng tiệc.
Hãy ghi nhớ 4 lời khuyên chân thành sau đây để "bảo toàn tính mạng" của bạn!
1. Ăn tối với khách hàng không nên chủ động bàn công việc
Đối với những người làm tiếp thị, do tính chất công việc nên họ phải thường xuyên mời khách hàng đi ăn tối, để đạt được thỏa thuận, trước tiên họ cần phải kéo gần quan hệ với khách hàng hơn.
Bạn có thể mời khách hàng đi ăn tối, nếu khách hàng sẵn sàng chấp nhận lời mời của bạn, nghĩa là bạn có hy vọng được chốt đơn, nhưng bạn cũng không thể ép khách hàng ăn tối với bạn quá nhiều, điều này sẽ khiến khách hàng cảm thấy phản cảm.
Một điểm cần lưu ý nữa là khi dự tiệc tối, bạn chỉ nên nói chuyện phiếm với họ mà thôi, không nên bắt chuyện về công việc, hãy làm cho khách hàng cảm thấy mục đích mời họ đi ăn tối không phải là để bàn về đơn hàng mà là bạn chân thành muốn gặp họ để kết bạn.
Khi mối quan hệ của bạn phát triển hơn, khách hàng tự nhiên sẽ quan tâm đến doanh nghiệp của bạn mà không cần bạn chủ động ngỏ lời. Mặc dù bạn không trực tiếp nói về công việc trong bữa tiệc tối, nhưng quá trình ăn uống cũng chính là quá trình bạn hoàn thành công việc rồi.
2. Bữa ăn thân mật cùng các đồng nghiệp, không bàn công việc
Trong công ty, việc ăn uống với đồng nghiệp là điều không thể tránh khỏi, ngoài team building của công ty hay tổng kết cuối năm thì ngày thường chúng ta cũng rất thường đi ăn cùng đồng nghiệp.
Mối quan hệ phổ biến nhất tại nơi làm việc chính là đồng nghiệp. Điều quan trọng nhất khi đi ăn với đồng nghiệp không phải là bàn chuyện công việc với nhau mà là bồi dưỡng mối quan hệ thân thiết hơn. Vì đồng nghiệp là những người thân thiết nhất với bạn ở nơi làm việc, nếu gặp vấn đề trong công việc, bạn có thể giải quyết chúng ngay trong văn phòng, chứ không cần phải nhắc tới chúng khi đang đi ăn.
Mục đích tụ tập ăn uống của đồng nghiệp là để thư giãn, xả bớt áp lực công việc, cho nên khi nói chuyện công việc sẽ khiến nhau rất thất vọng và mất hứng, điều này cũng dẫn đến mối quan hệ giữa bạn và các đồng nghiệp dần xa cách, tạo ra bất lợi cho bạn trong công việc.
Ngoài tình bạn thì trong công sở còn có mối quan hệ tranh giành lợi ích lẫn nhau giữa các đồng nghiệp, nên nếu đề cập quá nhiều đến vấn đề công việc sẽ dễ khơi dậy tâm lý phòng thủ của đồng nghiệp, phá hỏng bữa cơm hài hòa, đồng thời có thể để lộ ra một số bí mật công việc, gây ra những tổn thất không đáng có.
Vì vậy, khi đi ăn cùng đồng nghiệp chúng ta chỉ nên tập trung giải trí, công việc dù có căng thẳng đến đâu cũng nên tạm gác lại.
3. Khi ăn cơm với lãnh đạo công ty, không nói về công việc
Nhiều bữa tiệc tối của công ty thường được tổ chức dưới hình thức các phòng ban hoặc toàn thể nhân viên, không cần biết là hình thức nào, miễn là tiệc tối do công ty tổ chức thì chắc chắn sẽ có các sếp tham gia.
Vậy có nên bàn công việc với lãnh đạo trong các bữa tiệc đó hay không? Đáp án phụ thuộc vào độ tuổi của vị sếp đó. Các sếp trẻ đa phần sẽ có chung ngôn ngữ với nhân viên và có thể trò chuyện tự do khiến nhân viên không cảm thấy bị gò bó quá mức. Nên nếu đã có 2 lựa chọn mà bạn vẫn chọn bàn về công việc khi tiệc tùng sẽ khiến sếp nghĩ rằng bạn đang giả bộ chính chắn và chỉ muốn tạo ấn tượng với họ.
Còn những sếp lớn tuổi, họ sẽ duy trì vẻ uy nghiêm và thường không đùa giỡn với nhân viên. Những sếp như thế không hay đùa giỡn, tạo cho nhân viên cảm giác có khoảng cách, hơn nữa nhân viên cũng sẽ sợ những sếp lớn tuổi như thế này hơn. Nếu bạn là một nhân viên và bạn tình cờ ngồi cùng bàn ăn tối với một người sếp như vậy, thì bạn có thể thảo luận về một số vấn đề bạn gặp phải trong công việc với người đó.
Mục đích của việc này chủ yếu là để duy trì một chủ đề trò chuyện bền vững, và giữ ấn tượng tốt với lãnh đạo. Một nhân viên ngay cả khi ăn cơm cũng nghĩ đến công việc thường được các nhà lãnh đạo có tính cách uy nghiêm rất thích.
Nhưng khi thảo luận công việc, tốt nhất cũng không nên đặt câu hỏi liên tục và đừng phản đối quan điểm của lãnh đạo, bắt họ phải theo quan điểm của bạn. Hãy thảo luận theo ý của lãnh đạo, tốt nhất là nên hài hước đôi chút để không khí buổi tiệc không quá nghiêm túc.
4. Trong các trường hợp đối ngoại của công ty, tốt nhất bạn chỉ nên nghe người khác bàn công việc
Là một nhân viên, ít nhiều gì cũng sẽ phải tham gia các hoạt động đối ngoại của công ty. Khách mời trong loại tiệc này thường là khách từ nơi khác đến hoặc khách VIP từ công ty khác qua. Trong trường hợp này, bạn nhất định phải nhận thức rõ thân phận của mình là gì, chỉ cần phối hợp với lãnh đạo công ty, lắng nghe cuộc trò chuyện giữa sếp mình và khách mời là được.
Trừ khi lãnh đạo ra hiệu cho bạn nói, nếu không, tốt nhất bạn nên giữ im lặng, vì nhân viên thường được coi như những kẻ lót đường cho bữa tối kiểu này, chứ không phải là nhân vật chính của bữa tối. Nếu bạn cứ ăn nói tùy tiện sẽ rất dễ làm mất lòng sếp của bạn, đồng thời khiến khách mời không thích công ty bạn.
Những bữa tiệc đối ngoại có lãnh đạo tham gia, tốt nhất nhân viên không nên chủ động tham gia vào chủ đề của các sếp, bạn chỉ cần làm tốt công việc phục vụ, chú ý đến những thay đổi thông tin trên bàn ăn, và tiếp thu những thông tin có lợi đối với bản thân là được.
Nếu lãnh đạo chỉ đích danh bạn phát biểu, nhất định phải căn cứ theo tình hình thực tế mà nói, và tuyệt không được nói về những chủ đề liên quan đến công việc cá nhân. Bởi vì tiệc đối ngoại không phải là một buổi tâm sự đêm khuya, nên sẽ không có ai muốn lắng nghe những lời phàn nàn của bạn đâu.