Sau Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” được Thủ tướng phê duyệt vào đầu năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu trong năm 2024 nỗ lực phấn đấu trên địa bàn cả nước hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng sẽ tiến hành cuộc họp với các địa phương vào sáng ngày 22/2 tới đây để triển khai đề án nói trên. Bộ Xây dựng cho biết, hiện cả nước hiện có 419 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai đầu tư xây dựng với quy mô khoảng 432.500 căn.
Theo tổng hợp, báo cáo của các địa phương, cả nước đã quy hoạch 8.390 ha làm nhà ở xã hội, tăng thêm hơn 5.000 ha so với năm 2020. Các địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng 108 dự án nhà ở xã hội, quy mô 47.532 căn hộ trong năm 2024.
Doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm theo xu hướng thị trường
Từ những tháng cuối năm ngoái, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xây dựng chiến lược, tập trung phát triển các phân khúc nhà ở vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu lớn của người dân. Hàng loạt dự án sắp được ra mắt thị trường, đặc biệt các khu vực lân cận TP HCM như Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Chiến lược này được đánh giá là yếu tố bắt buộc để doanh nghiệp tồn tại, thích nghi với thị trường trong bối cảnh mới.
Đơn cử, Vinhomes có kế hoạch ra mắt thị trường các dự án nhà ở xã hội mang thương hiệu Happy Home trong năm 2024 : Nhà ở xã hội Nam Tràng Cát ở quận Hải An, TP Hải Phòng (khoảng 28 ha, với 4.000 căn hộ cao tầng và 300 căn hộ thấp tầng); Nhà ở xã hội Quảng Trị (khoảng 2 ha, với 100 căn hộ thấp tầng); Nhà ở xã hội Cam Ranh (khoảng 87 ha, với 4.100 căn hộ thấp tầng).
Theo chia sẻ của lãnh đạo Vinhomes, việc khởi công các dự án nhà ở xã hội mới trong thời gian gần đây không chỉ góp phần xây dựng thương hiệu của Vinhomes mà còn đóng góp tích cực vào nguồn cung cũng như sự hồi phục của thị trường chung.
Hay như chia sẻ từ lãnh đạo CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG), khi mức độ tập trung của thị trường thiên về những sản phẩm “giá trị thật” dành cho người ở thật và những nhà đầu tư dài hạn, doanh nghiệp đã đẩy mạnh nghiên cứu tái cơ cấu sản phẩm, ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm vừa túi tiền (affordable housing) và các sản phẩm cao cấp nhưng có mức giá tối ưu, hợp lý với mức độ đầu tư hạ tầng, phục vụ nhu cầu giãn dân tạo thị trường.
Nam Long cũng cam kết xây dựng 20.000 căn theo Đề án 1 triệu căn Nhà ở xã hội của Chính phủ và đã đưa được ra thị trường gần 1.500 căn từ năm 2023 tại hai dự án tại TP HCM và Cần Thơ.
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định, năm 2024 sẽ có nhiều cơ hội và thách thức đan xen đối với thị trường bất động sản. Sự tham gia của các chủ đầu tư trong cuộc đua phát triển nhà ở giá bình dân, nhà ở xã hội cũng sẽ từng bước thu hẹp khoảng cách lệch pha cung - cầu.
Theo vị này, thời gian tới, tình hình phát triển nhà ở xã hội sẽ tiếp tục có thêm những kết quả tích cực hơn với trợ lực từ chính sách. Việc thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) mới với nhiều quy định mới gỡ khó cho người mua và chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ tạo sức hấp dẫn, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển phân khúc này. Qua đó, tăng khả năng tiếp cận loại hình này cho người thu nhập thấp.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nhìn nhận, để thị trường bất động sản phục hồi một cách thực chất hơn cần tập trung toàn bộ nguồn lực vào phân khúc nhà ở giá rẻ (bao gồm cả nhà ở xã hội) để khơi thông nguồn vốn cho thị trường.
“Điều này phụ thuộc rất lớn vào việc chính quyền địa phương có tạo điều kiện để phát triển phân khúc nhà ở giá rẻ (nhà ở xã hội) không. Đây là phân khúc có dòng tiền rất tốt, nhu cầu rất cao nhưng hiện tại chúng ta chưa làm được”, chuyên gia nói.