Ngoài việc tổ chức triển khai hiệu quả chính sách giảm 2% thuế VAT và giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, ngành tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát mức thuế xuất nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi trả lời Tuổi Trẻ đầu năm mới về các chính sách tài chính trong năm 2024. Ông Phớc nói:
- Trong năm 2024, dự toán thu ngân sách nhà nước là 1,7 triệu tỉ đồng, dự toán chi là 2,1 triệu tỉ đồng. Bội chi là 399.400 tỉ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.
Vấn đề khó khăn đặt ra là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được ưu tiên hàng đầu.
Đề xuất các giải pháp áp dụng cho năm 2024
* Hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của người dân trong năm 2024 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, thưa bộ trưởng, ngành tài chính có giải pháp gì để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp?
- Từ 2020 đến nay, trước các tác động tiêu cực do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Tài chính đều chủ động trình cấp có thẩm quyền và ban hành chính sách miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 700.000 tỉ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
Số tiền hỗ trợ trong năm 2020 khoảng 129.000 tỉ đồng, năm 2021 khoảng 145.000 tỉ đồng, năm 2022 khoảng 233.000 tỉ đồng và năm 2023 khoảng 200.000 tỉ đồng.
Mới đây nhất, Quốc hội đã ban hành nghị quyết 110 về giảm 2% thuế VAT từ ngày 1-1 đến hết 30-6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Do đó thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp áp dụng cho năm 2024.
Trước mắt, ngành tài chính khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chính sách giảm 2% thuế VAT đã áp dụng năm 2023. Với việc giảm thuế VAT này, số tiền thuế được giảm khoảng 25.000 tỉ đồng.
Với chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn đến hết năm nay, số thu ngân sách sẽ giảm khoảng 42.500 tỉ đồng.
* Trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính có giải pháp nào chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp?
- Nhằm khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Bộ Tài chính ban hành thông tư số 63, có hiệu lực từ 1-12-2023 và áp dụng đến hết năm 2025, quy định mức phí và lệ phí dịch vụ công giảm 10 - 50%. Ước tính chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 100 tỉ đồng/năm.
Ngoài ra nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, ngành tài chính tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân.
Bộ Tài chính cũng chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước.
Về lâu dài, chúng tôi đang nghiên cứu, tham mưu với các cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế với mục tiêu là đảm bảo hệ thống thuế đồng bộ, huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế.
Quản lý chi ngân sách chặt chẽ
* Nhiều ý kiến cho rằng cần giảm chi để có nguồn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ông có quan điểm như thế nào về kiến nghị này?
- Một trong những giải pháp trọng tâm mà ngành tài chính quyết tâm thực hiện là quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước.
Đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tiếp tục cơ cấu lại chi đầu tư công; tập trung nguồn lực bố trí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, các công trình trọng điểm quốc gia...
Đặc biệt phấn đấu giải ngân đầu tư công cao hơn năm trước, hạn chế tối đa tình trạng chuyển nguồn. Để giải ngân nhanh vốn đầu tư công, theo tôi, việc đầu tiên cần làm là hoàn thiện thể chế, sửa Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn thực hiện.
Chúng ta cần tách phần giải phóng mặt bằng triển khai trước, phân cấp chủ quản đầu tư... Đặc biệt vốn đầu tư công không chỉ được bố trí tập trung, theo đúng thứ tự ưu tiên mà còn phải phù hợp với tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án.
Thời gian tới, các dự án quan trọng quốc gia đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt dự án. Nên ngay từ đầu năm 2024, các bộ ngành và địa phương cần triển khai quyết liệt các biện pháp để đảm bảo nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công triển khai dự án.
* Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là kênh huy động vốn dài hạn quan trọng của nền kinh tế, Bộ Tài chính sẽ có giải pháp gì để góp phần thúc đẩy thị trường này phát triển lành mạnh, tránh được vết xe đổ như xảy ra thời gian qua?
- Thị trường TPDN đã phát triển nhanh với quy mô tăng trưởng bình quân khoảng 33%/năm, đáp ứng nhu cầu huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế. Đến nay dư nợ TPDN đạt trên 1 triệu tỉ đồng, tương đương khoảng 10,5% GDP, bằng 8% tổng dư nợ tín dụng. Con số này cho thấy đây là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, so với quy mô thị trường TPDN đối với GDP của một số quốc gia trong khu vực như Malaysia (45%) và Thái Lan (26%), thị trường TPDN tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng phát triển. Đặc biệt nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19 tương đối lớn.
Tuy nhiên để thị trường TPDN phát triển đúng với tiềm năng và vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, cần có sự "chung tay góp sức" của tất cả các chủ thể tham gia trên thị trường.
Theo đó, đối với cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành cần thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản; nghiên cứu chính sách khuyến khích xếp hạng tín nhiệm...
Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành để rà soát tổng thể, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến phát hành TPDN riêng lẻ tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp...
Về lâu dài, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển hệ thống các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư (gồm quỹ đầu tư trái phiếu), tăng cường nguồn lực, nhân sự để quản lý, giám sát và phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán, thị trường TPDN. Riêng các doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu phải có trách nhiệm đến cùng về việc thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu cho nhà đầu tư để đảm bảo uy tín trên thị trường.
Doanh nghiệp cũng phải chủ động minh bạch hóa thông tin tình hình tài chính, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu... Tuy nhiên, theo tôi, nhà đầu tư cần phân biệt rõ TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng và đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
Nhằm giảm thiểu sự tác động tiêu cực tới doanh nghiệp cũng như môi trường đầu tư của Việt Nam, Chính phủ đang giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và địa phương xây dựng các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.
Meta, Google, Apple... đã trực tiếp nộp thuế cho Việt Nam
* Kết quả quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài chưa hiện diện tại Việt Nam ra sao?
- Sau gần hai năm triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, đến nay đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua đây. Các tập đoàn đến từ nhiều quốc gia như Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Thụy Sĩ, Anh, Bồ Đào Nha..., trong đó có các công ty công nghệ đa quốc gia, thương mại điện tử hàng đầu như Meta, Google, Apple, Microsoft, TikTok... đã đăng ký, kê khai và nộp thuế hàng nghìn tỉ đồng.
Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp trong năm 2023 là 8.096 tỉ đồng. Trong đó số tiền thuế được khai, nộp trực tiếp qua Cổng thương mại điện tử là 6.896 tỉ đồng, còn 1.200 tỉ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay.
Việc thu thuế thành công đối với các nhà cung cấp nước ngoài đã khẳng định chủ quyền quốc gia về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, khẳng định vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng.
Ông Hung Sun (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại VN):
Mong sớm có hướng dẫn về thuế tối thiểu toàn cầu
Chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 6-2023 tới Việt Nam là động lực giúp các tập đoàn kinh tế của Hàn Quốc yên tâm mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Một số dự án lớn có trị giá đầu tư hàng tỉ USD trong lĩnh vực năng lượng đang được doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm.
Tuy nhiên, với việc Quốc hội Việt Nam vừa thông qua nghị quyết áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1-1-2024, hàng loạt doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc đang làm ăn kinh doanh tại Việt Nam, có thể sẽ bị ảnh hưởng. Do đó theo tôi, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... về biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Trước đây thuế suất thuế thu nhập phải nộp chỉ là 7%, nhưng sau khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, mức thuế tăng lên là 15%. Như vậy, chúng tôi phải nộp thêm 8% nữa. Chính phủ Việt Nam sẽ trả lại cho doanh nghiệp trong điều kiện doanh nghiệp tái đầu tư, mở rộng đầu tư vào lĩnh vực hiệu quả hơn.
Mong Chính phủ Việt Nam sớm có nghị định hướng dẫn áp dụng để các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các tập đoàn Hàn Quốc, yên tâm mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam cần có cam kết rõ ràng về các biện pháp hỗ trợ để các nhà đầu tư yên tâm rót hàng chục tỉ USD vào dự án ở Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân:
Phải sớm nâng mức giảm trừ gia cảnh
Năm 2024, thế giới vẫn đối mặt với rất nhiều thách thức và những yếu tố bất định, cũng như sự phục hồi của nền kinh tế vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định khi kiểm soát được lạm phát, kéo giảm nợ công (đang ở ngưỡng 36% GDP) là cơ hội tốt để chúng ta có thể sử dụng đòn bẩy tài chính về nợ công nhằm hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ về an sinh xã hội.
Trước hết cần tăng đầu tư phát triển, tăng đầu tư công để nâng cao hạ tầng về giao thông, hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội..., tạo công ăn việc làm, duy trì sự phát triển kinh tế. Ngoài ra, cần tiếp tục có các chính sách để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp thông qua việc giảm các loại thuế, phí.
Cần tiếp tục xem xét áp dụng chính sách giảm thuế, phí với thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, gia hạn tiền thuê đất... vừa nhằm hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp lẫn nuôi dưỡng nguồn.
Việc áp dụng các chính sách này cần xem xét kéo dài đến hết năm 2024 thay vì đến 30-6. Đối với thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh đã lạc hậu nên cần sớm được điều chỉnh.
Ông Nguyễn Phước Hưng (phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM):
Nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Nhà nước đã tung ra nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho người dân, doanh nghiệp nhưng vẫn còn một số điểm nghẽn. Chẳng hạn chính sách giảm 2% thuế VAT đã làm tăng sức mua ở một số mặt hàng nên các doanh nghiệp mong muốn việc giảm 2% thuế VAT được áp dụng đến hết 2024, cho tất cả các hàng hóa. Thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn nhưng vẫn còn cao so với mức chịu đựng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Do đó cần nghiên cứu giảm mức thuế này về mức 17% cho tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp doanh nghiệp có dòng tiền kinh doanh. Đồng thời cần định hướng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp 15% áp dụng tương tự thuế tối thiểu toàn cầu sắp áp dụng, điều này nhằm đảm bảo công bằng cho mọi doanh nghiệp.
Thu nhập của người dân sụt giảm, giá cả hàng hóa thiết yếu tăng cao, nhưng thuế thu nhập cá nhân chưa điều chỉnh, đời sống người dân thêm khó khăn. Vì vậy cần sớm tăng mức giảm trừ gia cảnh cũng như hỗ trợ người lao động bằng chính sách miễn giảm thuế thu nhập cá nhân.