"Việt Nam đang ở một ngã rẽ quan trọng"
Ngày 4-1, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; công bố quy hoạch TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Ông Rich McClellan, giám đốc quốc gia của Viện Tony Blair vì sự Thay đổi toàn cầu (TBI) tại Việt Nam và ông Alexander Ziehe, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (GBA) tại Việt Nam củng đến tham dự sự kiện.
"Năng lượng trong phòng họp hôm ấy đã phản ánh cam kết sâu sắc của chính phủ đối với sáng kiến chuyển đổi này. IFC không chỉ là một dự án danh nghĩa, mà là một động lực thúc đẩy đổi mới tài chính và kinh tế cho Việt Nam," ông Rich McClellan kể lại trước khi trao đổi thêm về chủ đề này với Tuổi Trẻ Online.
TBI là tổ chức có nhiều hoạt động và hợp tác với các Bộ ngành ở Việt Nam, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam- Anh.
Trước đó, tháng 7-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tony Blair, cựu Thủ tướng Anh, chủ tịch điều hành TBI và thảo luận về các cơ hội hợp tác trong thương mại, đầu tư và phát triển lĩnh vực tài chính.
Là đại diện TBI tại Việt Nam, ông Rich cho rằng việc thành lập IFC tại TP.HCM là một tầm nhìn táo bạo và đúng thời điểm.
"Việt Nam đang ở một ngã rẽ quan trọng," ông Rich nói và cho rằng nền kinh tế năng động, vị trí chiến lược và nguồn nhân lực đang phát triển là những yếu tố rất phù hợp để TP.HCM dẫn dắt chiến lược này.
Tuy nhiên, sự thành công của IFC sẽ phụ thuộc vào một kế hoạch thực hiện rõ ràng, có lộ trình từng giai đoạn và điều chỉnh các hệ thống tài chính của Việt Nam với các tiêu chuẩn toàn cầu.
Theo ông Alexander Ziehe, chiến lược phát triển IFC tại TP.HCM "rất hứa hẹn".
Ông cũng nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hành chính và sự tham gia sớm của khu vực tư nhân rất quan trọng.
VBA tại Việt Nam hiện là cộng đồng có khoảng 400 thành viên, bao gồm các tổ chức tài chính hàng đầu của Đức như Deutsche Bank, Allianz và HDI.
Năm ngoái, đơn vị này đã tổ chức các chuyến thăm cho các ngân hàng, công ty đầu tư mạo hiểm và công ty bảo hiểm Đức để tìm hiểu và đánh giá chiến lược của họ đối với Việt Nam.
"Tuy nhiên, họ chủ yếu đang trong giai đoạn chờ đợi và xem xét, chờ đợi thông tin chi tiết về cải cách hành chính và thành lập các trung tâm tài chính," ông Ziehe cho biết.
Mô hình lai giữa tính địa phương và mô hình sẵn có
Mỗi quốc gia có đặc điểm riêng. Theo ông Alexander Ziehe, Việt Nam nên tận dụng thế mạnh từ ngành sản xuất trong phát triển IFC và đưa ra các giải pháp bổ trợ cho tài chính thương mại và phát triển bền vững.
Việc tham khảo mô hình từ Singapore, Hồng Kông, Dubai… đều có thể cân nhắc và đi cùng là điều chỉnh cho phù hợp đặc thù Việt Nam.
Mô hình lai, hay còn gọi kết hợp giữa điểm mạnh của các IFC, đã nổi tiếng và điều chỉnh với đặc thù địa phương cũng là mô hình ông Rich McClellan gợi ý. Điều quan trọng là Việt Nam nên thiết kế các ưu đãi đầu tư dành riêng cho từng lĩnh vực, ví dụ như quản lý tài sản và đầu tư cho phát triển vững.
"Chìa khóa là xây dựng một lộ trình thực tế cho từng giai đoạn, phù hợp với mục tiêu kinh tế của Việt Nam, đồng thời linh hoạt trước các xu hướng thị trường toàn cầu," ông Rich McClellan nói.
Ưu tiên cải cách nền tảng
Các nhà đầu tư nước ngoài đều đánh giá ngành tài chính Việt Nam cần được tiếp tục nâng cấp, với các chính sách và cải cách hành chính tốt hơn. Việc thành lập IFC có thể giúp giải quyết những thách thức của thị trường bằng cách tạo ra hệ sinh thái phù hợp.
Nó sẽ chào đón các tổ chức tài chính nước ngoài và dẫn đầu trong việc tự do hóa, quản trị tài chính tiên tiến, tích hợp vào nền kinh tế toàn cầu.
"Nhưng để đạt được điều này, Chính phủ cần thận trọng và đánh giá toàn diện trong việc mở cửa đất nước, tạo môi trường thân thiện cho các nhà đầu tư và nhân tài quốc tế. Nhân tài nước ngoài sẽ đóng vai trò quan trọng", ông Alexander Ziehe nói.
Với ông Rich McClellan, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nên làm là tập trung vào việc củng cố các trụ cột cốt lõi của hệ thống ngân hàng, thị trường vốn và thị trường chứng khoán.
Sau khi hoàn thiện các yếu tố nền tảng, Việt Nam có thể tập trung vào các lĩnh vực ngách như fintech, ngân hàng số, tài chính xanh, đầu tư ESG và đổi mới thị trường vốn. Những lĩnh vực này sẽ giúp tạo sự khác biệt và phù hợp với các xu hướng toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các khuôn khổ pháp lý về khả năng chuyển đổi tiền tệ và dịch chuyển dòng vốn cũng cần được xem xét.
"Điều này phản ánh các vấn đề rộng hơn về tự do hóa tài chính và niềm tin vào hệ thống quản lý. Một IFC thành công không chỉ cần cơ chế thu hút vốn chảy vào mà còn cần các hệ thống linh hoạt, minh bạch cho dòng vốn chảy ra để đảm bảo lòng tin của nhà đầu tư", ông Rich chia sẻ.
Theo ông Danny Kim, chuyên gia kinh tế, phụ trách dự báo về Việt Nam tại Moody's Analytics, việc thiết lập IFC đòi hỏi một chiến lược từng giai đoạn, cần tập trung vào các mục tiêu dài hạn và đảm bảo quy định tài chính minh bạch, hiệu quả.
Cân bằng giữa tự do dòng vốn và duy trì quy định tài chính hiệu quả là một thách thức lớn.
"Tham vọng đã có, nhưng để IFC thành công sẽ cần nỗ lực bền bỉ và cải cách các quy định. Việt Nam cũng cần phát triển thêm nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng các yêu cầu của một IFC và cạnh tranh với các đối thủ lâu đời", ông Danny chia sẻ.