Tài chính

Nga tuyên bố sẽ đáp trả trừng phạt của Mỹ và EU

Bộ Ngoại giao Nga ngày 11/1 ra thông báo sẽ đáp trả các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với ngành năng lượng Nga. Thông báo khẳng định hành động đáp trả của Nga sẽ được tính đến khi nước này xây dựng chiến lược kinh tế đối ngoại.

Nga tuyên bố sẽ đáp trả trừng phạt của Mỹ và EU- Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: KT)

Bộ Ngoại giao Nga cũng lưu ý rằng việc áp đặt lệnh trừng phạt mới là nỗ lực nhằm gây tổn hại đến kinh tế Nga trước khi nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden kết thúc, với nguy cơ gây bất ổn thị trường toàn cầu. Để ứng phó, Nga sẽ tiếp tục triển khai các dự án sản xuất dầu khí lớn, cũng như thay thế nhập khẩu, cung cấp dịch vụ khai thác dầu khí và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở các nước thứ ba, đồng thời lưu ý Nga đã và vẫn là một bên chủ chốt và đáng tin cậy trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Tuyên bố của Nga đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Mỹ  ngày 10/1 đã áp đặt lệnh trừng phạt hơn 200 công ty và cá nhân liên quan đến lĩnh vực năng lượng của Nga, cũng như hơn 180 tàu tham gia hoạt động vận tải năng lượng. Gói trừng phạt mới này nhằm mục đích hạn chế quyền tiếp cận thị trường quốc tế cũng như giảm thiểu doanh thu từ xuất khẩu dầu khí của Nga.

Phát biểu tại họp báo, thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nhấn mạnh: “Chúng tôi nhắm vào nguồn doanh thu lớn nhất của Nga và áp đặt các lệnh trừng phạt đáng kể đối với ngành năng lượng của Nga. Các lệnh trừng phạt này chắc chắn nhắm vào cả dầu mỏ và LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) của Nga, và chúng tôi dự kiến hành động của mình sẽ khiến Nga thiệt hại hàng tỷ đô la mỗi tháng”.

Trong khi đó về phía Liên minh châu Âu, Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ bắt đầu tham vấn với các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu về gói trừng phạt thứ 16 đối với Nga vào ngày 14/1 tới. Ba Lan, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu, muốn một gói trừng phạt mới được thông qua đúng vào ngày kỉ niệm ba năm ngày nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine, cụ thể là ngày 24/2/2025. Hiện tại  Ba Lan cùng một nhóm các nước khu vực Baltic đã đệ trình đề xuất cho gói trừng phạt thứ 16, trong đó các nước này yêu cầu hạn chế nhập khẩu khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng của Nga.

Kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine bùng nổ vào ngày 24/2/2022, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt trừng phạt với hàng nghìn mục tiêu của Nga nhằm cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, cắt thu nhập từ ngành năng lượng của Nga. Tuy nhiên, bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga không những không bị cô lập như phương Tây kỳ vọng mà kinh tế của nước này vẫn tiếp tục phát triển mạnh. Điều này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định trong thông điệp chào đón Năm mới.

“Tình hình kinh tế chung ở Nga vẫn ổn định. Chúng tôi đang phát triển bất chấp mọi thứ, bất chấp mọi mối đe dọa và nỗ lực bên ngoài nhằm tác động đến chúng tôi. Năm ngoái, như các bạn đã biết, tăng trưởng kinh tế của chúng tôi là 3,6%. Năm nay sẽ là 3,9%, hoặc thậm chí có thể là 4%. Chúng ta sẽ phải chờ xem vì kết quả cuối năm thường được tính toán vào gần quý đầu tiên của năm sau, vào năm 2025”, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh.

Mới đây, theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga đã tăng 3,6% trong năm ngoái, chủ yếu nhờ tăng chi tiêu cho quân sự và thúc đẩy xuất khẩu năng lượng. Thậm chí, tốc độ tăng trưởng này cao hơn Mỹ và nhiều nền kinh tế phương Tây khác.

Với việc phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép, Nga chắc chắn sẽ không chịu ngồi yên. Thực tế này cho thấy, chừng nào xung đột Ukraine vẫn chưa chấm dứt, xung đột Nga – phương Tây vẫn chưa có hồi kết.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm