Theo đó, đầu giờ chiều 12-1-2022, một học viên phi công thuộc Trường Hàng không New Zealand trong lúc thực hành bay cất/hạ cánh ở sân bay Chu Lai đã điều khiển máy bay lao ra ngoài đường băng.
Học viên đã tự thoát ra khỏi máy bay bị nạn, không bị thương. Hậu quả vụ việc khiến máy bay gãy cánh quạt động cơ, gãy càng trước, đuôi máy bay và bộ phận thăng bằng ngang bị gãy gập, không có hiện tượng cháy nổ.
Chiếc máy bay huấn luyện phi công của Trường hàng không New Zealand được đưa sang đào tạo tại sân bay Chu Lai. Ảnh: H.K
Báo cáo của Cục Hàng không xác định máy bay gặp nạn là máy bay huấn luyện thực hành bay của Trường Hàng không New Zealand.
Kết quả xác minh cho thấy thời điểm xảy ra vụ việc, học viên bay đang tập trung xử lý máy bay bị nhảy cóc khi tiếp đất, phải xử lý nhiều thao tác cùng lúc như: kiểm soát công suất, kiểm soát hệ thống điều khiển lái chính, hệ thống điều khiển thứ cấp...
Do đó, khi quyết định bay lại, học viên bay không thực hiện chống yếu tố P (momen do cánh quạt máy bay tạo ra), chân trái học viên vẫn giữ ở bàn đạp làm máy bay càng quay nhanh sang trái, dẫn đến máy bay bị nghiêng rồi trượt khỏi đường băng.
Vẫn theo báo cáo, học viên bay trong vụ việc này chưa đủ năng lực để thực hiện kỹ thuật bay lại. Hồ sơ huấn luyện thực hành bay lại trong bốn lần đều chưa đạt năng lực và đều có nhận xét cần khắc phục.
Cùng đó, học viên cũng chưa được huấn luyện đầy đủ kỹ năng xử lý bay lại ở các độ cao khác nhau, đặc biệt khi bay lại ở độ cao thấp hoặc khi tàu bay chạm đường cất hạ cánh. Đồng thời, các quy trình thực hiện các bài huấn luyện chưa được tiêu chuẩn hoá đầy đủ.
Sau vụ việc trên, Cục Hàng không đã yêu cầu trường đào tạo phi công phải khắc phục các thiếu sót, giảng bình sự cố với toàn bộ đội ngũ giáo viên và học viên để rút kinh nghiệm.