Theo Business Insider, việc cắt giảm trong loạt công ty công nghệ như Meta, Amazon hay Alphabet (công ty mẹ của Google) từ cuối năm ngoái là do hiện tượng bùng nổ trước đó: tuyển dụng quá nhiều để làm những công việc không thực sự cần thiết.
"Các công ty công nghệ lớn phải chịu trách nhiệm về việc tuyển dụng quá nhiều rồi lại sa thải hàng loạt. Họ tuyển người mới cho làm những vị trí ảo chỉ để đáp ứng thước đo phù phiếm về tuyển dụng", Keith Rabois, nhà đầu tư công nghệ và CEO công ty hỗ trợ tài chính OpenStore, nói tại sự kiện ngân hàng Evercore ở Miami (Mỹ) tuần trước.
Rabois, từng làm CEO PayPal đầu những năm 2000, ước tính Alphabet và Meta có tới hàng nghìn nhân viên không làm gì cả. "Họ không có gì để làm. Thực tế họ đảm nhận vị trí hữu danh vô thực", ông nói. "Mọi thứ đang được phơi bày. Có những người chẳng làm gì ngoài đi họp".
Theo tỷ phú này, các công ty tại Thung lũng Silicon cố tình tuyển quá nhiều kỹ sư và tài năng công nghệ chỉ với mục đích ngăn họ chuyển sang công ty đối thủ. "Một chiến lược khá mạch lạc", Rabois nhận xét.
Một số chuyên gia khác có chung quan điểm. Theo Marc Andreessen, đồng sáng lập quỹ Andreessen Horowitz (a16z) và từng nằm trong ban giám đốc của Meta, Thung lũng Silicon đang tồn tại lớp nhân viên gọi là "Laptop Class". Ông từng nhắc đến cụm từ này trên Twitter đầu năm ngoái khi làn sóng tuyển dụng tại các công ty công nghệ Mỹ đạt đỉnh. "Laptop Class" chỉ những người thường xuyên sử dụng máy tính xách tay để làm việc, nhưng vai trò và hình ảnh của họ "hoàn toàn trừu tượng, không có thực tế vật lý hữu hình", còn ý kiến từ họ cũng không được ghi nhận.
Giữa 2022, Andreessen tiếp tục nêu trên Twitter rằng các công ty công nghệ lớn tại Silicon đang thừa nhân lực gấp hai lần những năm trước, trong đó "các công ty lớn tồi tệ" còn thừa gấp bốn lần trở lên.
Tỷ phú công nghệ Thomas Siebel,CEO công ty AI C3, cho biết những ông lớn như Meta và Google đã tuyển nhiều đến mức họ không có đủ vị trí công việc để sắp xếp cho nhân viên.
"Thật lạ khi Google và Meta tiếp nhận hàng loạt nhân viên nhưng không xếp việc làm cho họ. Đúng là họ thực sự không làm gì", Siebel nói.
Giữa tháng 3, Britney Levy, một cựu nhân viên Meta, cũng nói trên TikTok rằng công ty xem nhân viên như một loại thẻ Pokemon để sưu tập. "Tôi nằm trong nhóm nhân viên được tuyển vào một vị trí kỳ lạ: nhóm không phải làm việc", cô nói. "Tôi có thể nghỉ cả một ngày mà không ai biết".
Giữa tháng 2, hai nhân viên Meta tiết lộ trên FT rằng nhiều người trong công ty chưa được sắp xếp công việc, ngồi chơi vẫn có lương vì cấp quản lý không thể lên kế hoạch do việc phê duyệt các quyết định kéo dài cả tháng.
Trong làn sóng sa thải, tỷ phú Rabois dành lời khen cho Elon Musk, người đã mạnh tay loại bỏ 70% nhân viên Twitter kể từ khi tiếp quản mạng xã hội cuối tháng 10 năm ngoái. "Mọi người đang theo dõi Elon và Twitter. Rõ ràng ông ấy đang làm gương, dù là một tấm gương cực đoan," Rabois nói. "Trọng tâm của ngành công nghệ sẽ chuyển từ mô hình tăng trưởng bằng mọi giá sang tập trung vào khả năng sinh lời, như doanh thu được tạo ra trên mỗi nhân viên".
Theo số liệu từ website chuyên theo dõi sa thải Layoffs.fyi, trong năm 2022, hơn 1.000 công ty đã cắt giảm 160.000 nhân viên. Tuy nhiên, chỉ trong ba tháng đầu năm nay, con số bị sa thải đã vượt mốc 100.000 người. Trong đó, những công ty như Meta, Amazon đã thực hiện đợt sa thải thứ hai chỉ trong vài tháng, với con số lên tới hàng chục nghìn người. Hầu hết lý do lãnh đạo các công ty đưa ra là do tình hình kinh tế ảm đạm, bất ổn chính trị hay chiến lược tinh gọn bộ máy và cắt giảm chi tiêu. Dù vậy, giới chuyên gia đánh giá quyết định sa thải có thể là hành động bắt chước nhau, chứ không mang lại hiệu quả thực sự về chi phí.