Chia sẻ tại Hội thảo Chứng khoán 2023 “La bàn giữa vùng biến động” do Chứng khoán Yuanta tổ chức sáng ngày 25/3, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam nhận định, có thể những gì xấu nhất của nền kinh tế đã đi qua và có một “cánh cửa hẹp” để tình hình trở nên tích cực hơn rất nhiều vào thời điểm giữa năm nay.
"Tuy nhiên, cũng tồn tại những rủi ro lớn có thể làm đảo chiều hoàn toàn hai nhận định trên", ông Thành nói.
Về câu chuyện tăng trưởng, ông Thành cho biết, trước tình hình cả trong và ngoài nước, kinh tế Việt Nam năm nay sẽ tiếp tục khó khăn và lợi nhuận của doanh nghiệp khó có thể cao được.
“Năm ngoái, dù khó khăn nhưng chúng ta có tác động từ sự hồi phục hậu COVID-19, năm nay tăng trưởng sẽ thấp hơn rất nhiều”, ông Thành nhận định.
Theo chuyên gia, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay là rất khó khăn. Ông dự báo con số tăng trưởng trong năm nay ở mức 5,5% và tăng trưởng trong quý I sẽ rất thấp, quý II vẫn tiếp tục thấp dù có sự cải thiện.
Dù vậy, nền kinh tế sẽ giữ được sự ổn định và khi giữ được ổn định thì sự hồi phục có thể diễn ra rất nhanh khi đáp ứng được các điều kiện cả bên trong lẫn bên ngoài.
Lý giải về nhận định tăng trưởng GDP sẽ thấp hơn mục tiêu 6,5% mà Chính phủ đề ra, ông Thành cho biết, năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ mất đi hai động lực, do đó khiến tăng trưởng thấp.
Thứ nhất là xuất khẩu, năm nay các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn và điều này đã có thể quan sát được từ quý IV năm ngoái. Thứ hai là, các ngành sản xuất công nghiệp, đặc biệt sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo hướng vào xuất khẩu cũng sẽ yếu đi trong năm nay.
Động lực tăng trưởng năm 2023 đến từ đâu?
Mặc dù có nhiều thách thức, song, theo nhận định của chuyên gia, kinh tế vẫn sẽ có sự tăng trưởng nhờ được bù đắp từ giải ngân đầu tư công. Năm 2023, ngân sách có ít nhất 31 tỷ USD dành cho đầu tư công và 90% trong số đó đã được giao chỉ tiêu cho các bộ ngành, địa phương.
“Năm nay, nếu chi được 90% của 31 tỷ USD thì sẽ bù đắp được việc xuất nhập khẩu tăng chậm”, chuyên gia nói.
Thêm vào đó, chuyên gia cho rằng nếu như hoạt động dịch vụ và sức mua của thị trường nội địa vẫn tiếp tục đà phục hồi thì cũng sẽ là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế.
Theo ông Thành, sự phục hồi chắc chắn sẽ tiếp tục ở khu vực dịch vụ, đặc biệt là khi sắp tới sẽ có thêm tác động từ khách du lịch Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ boăn khoăn về việc giữ được sự phục hồi của sức mua nội địa. Bởi nếu xuất khẩu và công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục yếu, công nhân khu công nghiệp tiếp tục bị cắt giảm giờ làm dẫn đến thu nhập giảm thì sức mua của người lao động khu công nghiệp cũng cũng sẽ bị yếu đi.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa còn được kỳ vọng sẽ tác động tích cực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở khía cạnh xuất khẩu trong bối cảnh xuất khẩu sang Mỹ, EU sẽ tiếp tục suy yếu. Tuy nhiên, sự hồi phục từ phía Trung Quốc cũng chưa rõ ràng.
"Sau thời gian thực hiện chính sách Zero-COVID, Chính phủ Trung quốc đã hết dư địa để kích cầu, do đó sự phục hồi này sẽ là sự phục hồi một cách tự động. Vì thế, việc họ mở cửa có tác động tích cực nhưng nó sẽ không lớn", ông nói.
Việc Trung Quốc phục hồi cũng mang đến thách thức bởi Việt Nam xuất đi nhiều nhưng cũng nhập khẩu nhiều từ họ.
Đồng thời, áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng đối với những doanh nghiệp có đối thủ đến từ Trung Quốc và những doanh nghiệp nhập nhiều hàng hoá, nguyên liệu trên thị trường thế giới sẽ chịu đà tăng giá do sự mở của của Trung Quốc, chuyên gia cho hay.