Sự việc này đã diễn ra vào khoảng tháng 2/2023. Song mới đây nó tiếp tục được chia sẻ trở lại và thu hút sự chú ý của nhiều người.
Theo đó, vào ngày 20/2/2023, cô Chen (Quảng Đông, Trung Quốc) cùng người bạn của mình đã ghé 1 tiệm vàng trên phố nhằm mua 1 chiếc nhẫn mới. Sau khi nghe nhân viên tư vấn và ngắm tất cả các mẫu tại cửa hàng, cô Chen thích thú với chiếc nhẫn vàng có giá khoảng 2.200 NDT (hơn 7,5 triệu đồng). Cô yêu cầu được xem và đeo thử.
Tuy nhiên, người phụ nữ này không ngờ rằng ngay khi đeo vào tay, chiếc nhẫn này đã gãy làm đôi. Cô vô cùng lo lắng và tỏ ra khó hiểu. Bởi tại sao một chiếc nhẫn bằng vàng lại mỏng manh dễ gãy như vậy. Nguyên nhân là do khách hàng hay do chất lượng sản phẩm quá kém.
Chưa kịp làm rõ nguyên nhân, ngay khi đó, nhân viên cửa hàng cho biết cô Chen phải có trách nhiệm với hành vi của mình. Cô sẽ phải bồi thường giá trị toàn bộ chiếc nhẫn này, tức 2.200 NDT. Sau khi nghe mức phí phải trả, người phụ nữ này không đồng tình.
Nhân viên cửa hàng cho biết chiếc nhẫn này được chế tác thủ công bằng vàng cứng 3D. Chúng không được bán theo chỉ hay theo gram mà được định giá cố định theo nguyên chiếc.
Nghe đến đây, cô cho biết đây là do chất lượng sản phẩm của cửa hàng không đảm bảo. Bởi vàng cứng 3D không thể nào dễ dàng bị gãy như vậy. Nữ khách hàng này tỏ ra hoài nghi. Trước sự nghi ngờ của khách hàng, nhân viên đã xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng minh chất lượng. Dẫu vậy, cô Chen vẫn nhất quyết từ chối bồi thường toàn bộ giá trị chiếc nhẫn. Cô khẳng định chỉ phải chịu ⅓ giá trị.
Nhận thấy cuộc thương lượng không đạt được kết quả mong muốn, chủ cửa hàng quyết định đưa vụ việc ra tòa án địa phương. Trong phiên tòa xét xử, cả hai bên vẫn nhất quyết như nguyên quan điểm của mình và tranh luận vô cùng gay gắt.
Về phía khách hàng, cô Chen cho rằng bản thân không cố ý làm gãy chiếc nhẫn. Người phụ nữ này nhấn mạnh nhân vào việc chất lượng sản phẩm của cửa hàng không đảm bảo nên dẫn đến tình trạng này.
Đáp lại lập luận trên, đại diện cửa hàng khăng khăng khẳng định với tư cách là khách hàng, cô Chen phải chịu trách nhiệm về rủi ro gây ra trong quá trình thử sản phẩm.
Sau quá trình xem xét toàn bộ vụ việc, toà án cho rằng với tư cách là người tiêu dùng cô Chen có quyền tìm hiểu và trải nghiệm sản phẩm. Tuy nhiên, do không cẩn thận, cô đã làm gãy chiếc nhẫn. Tuy không cố ý gây ra hậu quả song Chen vẫn phải chịu trách nhiệm trước việc làm của mình.
Đồng thời toà án cũng chỉ ra rằng cửa hàng không hoàn toàn không có lỗi trong trường hợp này. Với một cơ sở kinh doanh mặt hàng cao cấp như vàng bạc đá quý, nhân viên cửa hàng cần kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn khách hàng thử sản phẩm sao cho đúng cách để tránh xảy ra những tình huống không đáng có như này. Hoặc với tư cách là người tư vấn, nhân viên cần thông báo kích thước chiếc nhẫn để khách hàng biết mà tránh thử khi biết chắc là không vừa. Nếu nhân viên cửa hàng không thực hiện nghĩa vụ trên. Cửa hàng cũng phải chịu trách nhiệm khi xảy ra chuyện hi hữu này.
Sau cùng toà án ra phán quyết cô Chen phải bồi thường tiền trong trường hợp này là đúng. Tuy nhiên, số tiền cần chi trả chỉ là ½ giá trị chiếc nhẫn. Số tiền còn lại là do chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm. Cả 2 bên chấp nhận với bản án và thực thi một cách nghiêm túc.
Thẩm phán xét xử vụ việc này cho biết trường hợp của cô Chen không phải câu chuyện của cá nhân. Đây là lời nhắc nhớ cho tất cả mọi người khi ghé các cửa hàng bán những mặt hàng đắt tiền cần thận trọng và làm theo hướng dẫn của nhân viên.
(Theo Sohu)