Tài chính

Động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam 2025 sẽ đến từ đâu?

Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu UOB
18 bài viết

Theo đó, năm 2024 nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 7,09%, so với mức 5,1% của năm 2023 và vượt xa mức dự báo chung của thị trường là 6,7% cũng như mục tiêu chính thức là 6,5%. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất kể từ khi phục hồi sau Covid 19 vào năm 2022 (8,1%).

Đi sâu vào phân tích chi tiết, UOB đánh giá lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, khi xu hướng tăng tốc bắt đầu vào giữa năm 2023 và đóng góp lần lượt 35% và 48% trong mức tăng trưởng 7,55% của riêng quý 4 vừa qua.

Hoạt động ngoại thương tăng tốt là lý do chính cho tăng trưởng mạnh mẽ. Xuất khẩu đã tăng trưởng 14% trong năm 2024, đối lập mức giảm 4,6% của năm 2023. Nhập khẩu mặc dù tăng 16,1% nhưng thặng dư thương mại vẫn đạt khoảng 23,9 tỷ USD, lớn thứ hai sau mức cao kỷ lục 28,4 tỷ USD của năm 2023. Đây là năm thứ 9 liên tiếp Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại.

Về năm 2025, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7,0% trong khi Thủ tướng Phạm Minh Chính gần đây đã kêu gọi đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% với sự hỗ trợ từ việc giải ngân đầu tư công nhanh hơn để phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút thêm đầu tư.

UOB cho rằng, dựa trên cách tiếp cận tập trung vào kỷ luật tài chính và cách đầu tư công đã được giải ngân cho đến nay thì mục tiêu 8% có vẻ khá tham vọng, tuy nhiên vẫn có dư địa để đạt được. Còn riêng Ngân hàng này nhận định, dựa trên động lực tăng trưởng mạnh mẽ được tiếp nối từ năm 2024, kết hợp với việc xem xét những rủi ro và tác động ngược từ các cuộc xung đột thương mại sắp tới từ chính quyền mới của Hoa Kỳ, UOB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2025 sẽ tăng trưởng khoảng 7%.

Ba thách thức đối với Việt Nam và ASEAN

Chia sẻ với truyền thông xoay quanh những dự báo mới nhất về kinh tế Việt Nam, đặc biệt đặt trong bối cảnh ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ và nhậm chức vào ngày 20/01 năm nay, ông Suan Teck Kin- Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB Singapore cho biết, có ba thách thức lớn đối với Việt Nam và ASEAN trong "thời kỳ Trump 2.0" (ý nói nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump).

Thứ nhất là thách thức về thuế quan. Với nền kinh tế có độ mở cao thứ hai trong ASEAN chỉ sau Singapore, Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thương mại quốc tế. Trong năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 7,09%, phần lớn nhờ vào xuất khẩu và thương mại quốc tế. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam hiện đang chiếm khoảng 84% GDP quốc gia (cao thứ 2 ở khu vực ASEAN).

Theo phân tích từ UOB dựa trên giai đoạn ông Trump làm Tổng thống Hoa Kỳ giai đoạn trước với mức đánh thuế lên đến 25% với hàng hóa nhập khẩu, tại nhiệm kỳ này, rất có thể ông sẽ đánh thuế 10-20% với tất cả hàng hóa nhập khẩu, thậm chí lên đến 60% đối với hàng hóa Trung Quốc. Hiện Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, vì vậy các chính sách thuế quan mới được áp dụng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam.

Thứ hai là thách thức về thị trường tài chính. Trong giai đoạn ông Trump làm Tổng thống, tỷ giá hối đoái giữa đồng Nhân dân tệ Trung Quốc (CNY) so với đồng USD đã tăng khoảng 10%, tức là CNY giảm giá 10% bởi chính sách thuế của Hoa Kỳ khiến cho đồng bạc xanh mạnh lên. Biến động của CNY thường có cùng xu hướng với sự biến động của các đồng tiền châu Á trong đó có Việt Nam Năm 2024, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 4,31%.

Biến động giá trị đồng USD có thể gây ra những tác động đáng kể tới thị trường tài chính Việt Nam bởi Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu thô, máy móc và thiết bị từ nước ngoài. Do đó, khi đồng USD tăng giá, chi phí nhập khẩu sẽ tăng, kéo theo chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm lên cao. Tuy nhiên, ông Suan Teck Kin cho rằng, ở kịch bản cơ sở, ông Trump có thể áp thuế tới 10% hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các nước và khoảng 20% đối với hàng hóa Trung Quốc thì khả năng USD mạnh lên 10% là khó xảy ra.

Ngoài ra, theo ông Đinh Đức Quang – Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ, ngân hàng UOB Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang có những biện pháp điều hành phù hợp để giảm thiểu áp lực từ biến động tỷ giá, do đó rủi ro từ thách thức này sẽ được kiểm soát ở mức ổn định. UOB dự báo tỷ giá giữa USD/VND sẽ tăng khoảng 2-3% trong năm nay.

Thứ ba là thách thức về chuỗi cung ứng. ASEAN hiện là điểm đến hàng đầu của dòng vốn FDI, với Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu về đầu tư vào khu vực. Tuy nhiên, chính sách thuế quan cứng rắn hơn từ chính quyền mới của ông Trump có thể làm gián đoạn dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu, gây ảnh hưởng đến ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Tóm lại, các đại diện của UOB cho rằng, dù bất cứ điều gì trong 3 thách thức trên xảy ra thì cũng đều có những tác động đối với kinh tế Việt Nam.

Động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam 2025 sẽ đến từ đâu?- Ảnh 1.

Ông Suan Teck Kin, Chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore)

Ba cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo

Mặc dù có thể gặp phải nhiều thách thức, song ông Suan Teck Kin cũng cho rằng Việt Nam sẽ có được nhiều cơ hội trong năm 2025 trong "thời kỳ Trump 2.0".

Đầu tiên, Việt Nam có cơ hội gia tăng đa dạng hóa thương mại toàn cầu nhằm giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường cụ thể. Dù chính sách mới của ông Trump có thể tạo ra những rủi ro nhất định đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhưng đây cũng chính là thời điểm để Việt Nam chủ động mở rộng và tìm kiếm thêm cơ hội ở các thị trường khác. Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng nếu xuất khẩu sang thị trường này gặp khó khăn, đại diện UOB cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng xuất khẩu sang các khu vực khác.

Đồng thời Việt Nam cũng cần đa dạng hóa nguồn nhập khẩu để tránh tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường cụ thể. Việt Nam cũng cần mở rộng danh mục các mặt hàng xuất khẩu, chẳng hạn da giày, thuỷ sản, các sản phẩm nông nghiệp… thay vì đang phụ thuộc quá nhiều vào nhóm máy tính và linh kiện điện tử, để giảm rủi ro.

Cơ hội thứ hai đến từ việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Đại diện UOB dẫn số liệu cho thấy, đầu tư công hỗ trợ cho tăng trưởng GDP ở Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi ở Trung Quốc là trên 40%, chứng tỏ Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để gia tăng. "Bài học từ Trung Quốc cho thấy khi đẩy mạnh đầu tư công đã giúp họ tăng trưởng hai chữ số trong thời gian dài", ông Suan Teck Kin nói.

Việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng như sân bay, cầu, cảng biển, tăng cường đầu tư vào giáo dục, y tế… không chỉ giúp Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh mà còn giảm thiểu các rủi ro từ bên ngoài. Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế trong những năm tới.

Thứ ba là cơ hội liên quan đến hỗ trợ tài khoá từ Chính phủ. Hiện nay, Việt Nam có nhiều dư địa để thúc đẩy đầu tư công khi tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam (theo dự báo của IMF là giảm về chỉ 31% trên GDP vào năm 2029) vẫn ở mức khá thấp so với các nước trong khu vực châu Á và các nền kinh tế mới nổi (với tỷ lệ có thể lên tới 97%). Như vậy, với dư địa này, Chính phủ có thể đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược, từ đó tạo ra động lực tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.

Nhìn chung, hai đại diện của UOB đánh giá, trong 2025, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức song cũng những cơ hội tiềm năng để tăng trưởng kinh tế đạt mức cao khi Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội đó.

Động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam 2025 sẽ đến từ đâu?- Ảnh 2.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam

Một số dự báo cho năm 2025

UOB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 7% trong năm 2025. Con số này cao hơn nhiều so với các dự báo do IMF đưa ra (tháng 11/2024) là 6,1%; WB (tháng 6/2024) là 6%; ADB dự báo 6,6%. UOB tin rằng Việt Nam hoàn toàn đạt được mức tăng trưởng trên, thậm chí cao hơn, dựa trên các xu hướng như mở rộng và đa dạng hoá thương mại; những cơ hội về thúc đẩy đầu tư công.

Về tỷ giá USD/VND, đại diện UOB cho rằng VND có thể suy yếu về 26.000 đồng vào cuối năm 2025 và quý 3/2025 sẽ đạt đỉnh ở mức 26.200 đồng; quý 1/2025 vào khoảng 25.800 đồng. Tóm lại cả năm 2025 tỷ giá sẽ biến động trong khoảng 2-3%.

Về lãi suất điều hành, UOB tin tưởng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất ở mức ổn định như năm vừa rồi, đồng thời đánh giá việc can thiệp vào lãi suất không còn là công cụ quá quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, thay vào đó việc đẩy mạnh đầu tư công, thay đổi thể chế, tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn sẽ tạo nên sức hấp dẫn và niềm tin với nhà đầu tư.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm