Theo hãng tin Bloomberg, các quan chức ngành ngân hàng Trung Quốc đã phải yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp thêm những khoản nợ để nhiều hãng xây dựng hoàn thiện nốt công trình. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh có một làn sóng tẩy chay thanh toán tín dụng bất động sản từ người mua khi nhà của họ chưa được hoàn thiện hoặc bị chậm tiến độ.
Cụ thể, những động thái siết chặt tín dụng của chính phủ với ngành bất động sản đã khiến nhiều công ty điêu đứng, ngập trong nợ nần. Hệ quả là nhiều dự án bị chậm tiến độ hoặc bị đình công vô thời hạn, dẫn đến việc hàng loạt người mua nhà từ chối thanh toán tín dụng ngân hàng vì chưa nhận được nhà.
Thống kê của China Real Estate Information Corp cho thấy ít nhất 100 dự án tại 50 thành phố của Trung Quốc đã diễn ra tình trạng người mua từ chối thanh toán tín dụng ngân hàng vì nhà bị trễ tiến độ.
Bên cạnh đó, Bloomberg cho rằng đà mất giá của các dự án sau những vụ lùm xùm vỡ nợ của những công ty bất động sản đã góp phần khiến người mua từ bỏ thanh toán những khoản vay ngân hàng.
Cho đến trước khi những vụ vỡ nợ của các tập đoàn bất động sản diễn ra ở Trung Quốc, mảng tín dụng thế chấp bất động sản vẫn được coi là phân khúc an toàn bậc nhất của ngành ngân hàng với lợi nhuận cao và dễ thanh khoản.
"Bong bóng xì hơi"?
Hãng tin Bloomberg nhận định "bong bóng" bất động sản ở Trung Quốc bắt đầu "xì hơi" từ năm ngoài khi Chính phủ nước này can thiệp để hạ nhiệt giá nhà nhằm đảm bảo bình đẳng xã hội, giúp người nghèo cũng có nhà ở. Hàng loạt chính sách hạn chế tăng trưởng nóng nhà đất và siết tín dụng bất động sản được đưa ra.
Tồi tệ hơn, đại dịch Covid-19 càng khiến doanh số của các tập đoàn bất động sản đi xuống khiến giá nhà hạ nhiệt nhanh, dẫn đến sự vỡ nợ dây chuyền (domino) của hàng loạt công ty nhà đất do không tìm được nguồn vốn thanh toán những khoản nợ đáo hạn.
Hiện Trung Quốc có khoảng 46 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 6,8 nghìn tỷ USD tín dụng thế chấp bất động sản cùng với 13 nghìn tỷ Nhân dân tệ nợ của các doanh nghiệp nhà đất.
Theo Bloomberg, thị trường nhà đất Trung Quốc cho thấy rất ít dấu hiệu hồi phục bất chấp một số thành phố đã nới lỏng quy định mua nhà hay ngân hàng cắt giảm lãi suất vào tháng 5/2022.
Tăng trưởng tín dụng bất động sản tính đến cuối tháng 3/2022 ở mức thấp nhất trong hơn 20 năm qua. Ngành xây dựng tại Trung Quốc cũng suy giảm 14% trong năm 2021 so với năm trước, mức giảm mạnh nhất 6 năm.
Hãng tin Bloomberg cho biết vô số các khu bất động sản bị bỏ hoang, phủ bụi do tập đoàn bất động sản gặp vấn đề về dòng tiền. Giá nhà tại nhiều nơi bắt đầu giảm mạnh kể từ tháng 9/2021, điều lần đầu tiên diễn ra trong 6 năm qua.
Nhận thức được tình hình, Chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp can thiệp thị trường. Ngoài yêu cầu cấp thêm vốn cho công ty bất động sản ở trên, các nhà hoạch định chính sách còn chỉ thị ngành ngân hàng hỗ trợ các thương vụ mua bán, sáp nhập dự án nhà đất nhằm ổn định thị trường.
Ngành bất động sản đóng góp đến 1/4 GDP cho Trung Quốc và là yếu tố lớn nhất tạo nên đà tăng trưởng cho nền kinh tế thông qua các dự án nhà đất. Quá trình xây dựng các dự án sẽ đòi hỏi vô ngành nghề liên quan, từ cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng, nhân công cho đến kích thích hoạt động tín dụng, tài chính trên thị trường.
Bán tháo
Hãng tin Bloomberg nhận định việc thị trường bất động sản Trung Quốc "xì hơi" sẽ là thảm họa với nền kinh tế và gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính toàn cầu do đây là thị trường lớn nhất thế giới với nhiều doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện tại, số liệu của Nomura cho thấy các tập đoàn bất động sản Trung Quốc mới bàn giao được 60% số dự án mà họ đã bán trên giấy trong khoảng 2013-2020, trong khi đó tín dụng thế chấp bất động sản thì tăng thêm tới 26,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ cùng kỳ.
Báo cáo của hãng Jefferies cho thấy nếu tất cả những người mua đều vỡ nợ hoặc không có khả năng thanh toán thì ngành ngân hàng sẽ có thêm 388 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 58 tỷ USD nợ khó đòi. Trong khi đó GF Securities thì nhận định khoảng 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ tín dụng thế chấp bất động sản sẽ bị ảnh hưởng bởi phong trào tẩy chay từ chối thanh toán hiện nay.
Chỉ số CSI 300 Financials Index
Kể từ tháng 7/2022, xu thế từ chối thanh toán tín dụng thế chấp bất động sản bắt đầu lan rộng ở hơn 50 thành phố với vô số những bài đăng trên mạng xã hội thể hiện sự bức xúc của người mua nhà. Hơn 70% tài sản của người dân thành thị Trung Quốc nằm trong bất động sản và đà bán tháo của nhiều dự án khiến giá nhà hạ đã tạo nên áp lực cho người mua nhà thế chấp, nhất là trong bối cảnh dự án bị chậm tiến độ.
Dẫu vậy, chính phủ Trung Quốc vẫn tuyên bố tình hình còn nằm trong tầm kiểm soát khi phần lớn các trường hợp từ chối thanh toán có số tiền quá hạn chiếm chưa đến 1% tổng vay nợ.
Bất chấp điều đó, nhà đầu tư đang nhanh chóng bán tháo cổ phiếu ngành ngân hàng với tốc độ chưa từng có từ trước đến nay trước rủi ro sụp đổ lan rộng. Mức giảm 2% phiên 15/7 của chỉ số chứng khoán ngành tài chính CSI 300 Financials Index đã là phiên giảm thứ 10 liên tiếp trên thị trường Trung Quốc, đánh dấu đà giảm lâu nhất kể từ năm 2005 đến nay.
Vỡ mộng
Theo hãng tin Bloomberg, giá nhà tại Trung Quốc đã tăng gấp 6 lần trong 15 năm qua khi tầng lớp trung lưu coi đây là một trong những kênh trú ẩn tài sản an toàn cũng như đầu cơ sinh lời. Nếu vào năm 1998, chỉ 1/3 dân số số Trung Quốc sống tại thành thị thì hiện nay tỷ lệ này là gần 2/3 với 480 triệu người.
Thị trường bất động sản tăng trưởng quá nóng khiến người dân không theo kịp. Tại những thành phố lớn như Thâm Quyến, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập thậm chí còn cao hơn cả những nơi như London-Anh hay New York-Mỹ.
Bất chấp điều đó, chính quyền địa phương tiếp tục thu lời từ việc bán đất cho các dự án phát triển bất động sản, qua đó khuyến khích ngân hàng cho vay thêm ở mảng này nhằm cố gắng đạt tăng trưởng cao.
Tổng giá trị thị trường bất động sản, cổ phiếu và trái phiếu tại Trung Quốc-Mỹ-Nhật Bản năm 2017 (Nghìn tỷ Nhân dân tệ)
Hệ quả là vay nợ bất động sản tăng phi mã. Doanh số bán trái phiếu thường niên cho nhà đầu tư nước ngoài của các tập đoàn bất động sản Trung Quốc đã tăng từ 675 triệu USd năm 2009 lên mức 64,7 tỷ USD năm 2020.
Theo Bloomberg, các công ty bất động sản Trung Quốc còn khoản nợ trái phiếu bằng ngoại tệ trị giá 207 tỷ USD chưa thanh toán tính đến cuối năm 2021, tương đương ¼ tổng nợ trái phiếu bằng ngoại tệ trên toàn quốc.
Trước sự phình to của "bong bóng" bất động sản cũng như quả bom nợ, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu siết chặt tín dụng từ giữa năm 2020. Thế nhưng chính động thái này cùng sự suy giảm doanh số bán nhà do đại dịch đã khiến ít nhất 18 công ty bất động sản vỡ nợ tại Trung Quốc, bao gồm cả những ông lớn như Evergrande.
Hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ xử lý bong bóng bất động sản như thế nào khi nhiều chuyên gia lo sợ về lịch sử 2008 khi thị trường nhà đất sụp đổ tại Mỹ gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
*Nguồn: Bloomberg