Bổ nhiệm các chính trị gia làm bộ trưởng các bộ chuyên ngành là một xu thế phổ biến từ lâu trên thế giới, không cứ gì ngành y tế! Thậm chí có nước còn giao Bộ Quốc phòng, một bộ "sức mạnh, cơ bắp" cho một nữ chính trị gia hầu như chưa qua lính ngày nào.
Còn theo thống kê, ở Đức thời gian từ 1955- 2017 cho thấy đa số bộ trưởng y tế không phải là bác sĩ, mà họ là chuyên gia từ các ngành khác nhau như luật sư, thầy giáo, nhà kinh tế, nhà xã hội học, nhà tâm lý…
Bộ trưởng Y tế và phúc lợi con người hiện thời của nước Mỹ là một luật sư, bộ trưởng y tế của nước Pháp cũng vậy, cũng không có chuyên môn gì về y tế. Còn ngay như hai nước gần ta là Malaysia, Singapore nắm bộ y tế cũng là các nhà chính trị chuyên nghiệp không có bằng bác sĩ hay dược sĩ.
Tại sao trên thế giới hiện nay có xu thế như trên?
Bởi vì họ quan niệm rằng, nhiệm vụ của bộ trưởng y tế không phải là để đi giải quyết các ca mổ khó hay các ca bệnh phức tạp. Đó là công việc của các bác sĩ điều trị. Mà công việc của bộ trưởng bộ y tế là đề ra chiến lược phát triển ngành, với mục tiêu bất di bất dịch là xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng tốt hơn, khiến cho người dân nước mình sống khỏe hơn, sống lâu hơn và sống an tâm, thoát khỏi gánh nặng tài chính khi bị bệnh tật hành hạ.
Nghĩa là nhiệm vụ chiến lược lớn nhất của bộ trưởng và của cả ngành y tế là "kiến tạo một quốc gia khỏe mạnh".
Bởi thế khi nghe tin Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan với chuyên môn sâu là Thạc sĩ kinh tế được giao Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, tôi cũng không lấy gì làm ngạc nhiên lắm. Tôi chỉ nghĩ, biết đâu nước mình bắt đầu một công cuộc cải cách thể chế như đã đề cập đến trong các nghị quyết bấy lâu nay, mà bắt đầu bằng ngành y tế?
Cũng có thể thế lắm chứ!
Như các bạn đã biết, ngành y tế nước nhà đang bị khủng hoảng. Không cần liệt kê ra đây thì ai cũng biết. Vậy thì phải làm một điều gì đó, có ai đó ra tay vực ngành y tế lên chứ? Đây là một ngành cực kỳ thiết yếu đến đời sống nhân dân cả nước, đến an ninh chính trị và trật tự xã hội! Phải làm thôi!
Nhìn ra thế giới, mô hình bộ trưởng y tế là các chính trị gia các nhà quản trị chuyên nghiệp chỉ quản đường lối chiến lược còn các chuyên gia chịu trách nhiệm về chuyên môn sâu cho thấy có những thành công đáng học hỏi. Chúng ta bổ nhiệm một chính trị gia chuyên nghiệp không có bằng bác sĩ làm Bộ trưởng y tế vào thời điểm này cũng không có gì mới! Có mới, ấy là so với "đặc thù" Việt Nam mà thôi. Thế nhưng nếu ai, chỗ nào, ngành nào cũng vin vào cái gọi là "đặc thù", thì sự nghiệp đổi mới thể chế sẽ bắt đầu từ đâu?
Nên sự thật là tôi ủng hộ nhiệt thành ý tưởng này. Miễn sao bà Quyền Bộ trưởng có đủ ý chí chính trị, khả năng quản trị, và nhất là phải được sự hậu thuẫn và ủng hộ tuyệt đối của lãnh đạo cấp trên và từ chính những cán bộ trong ngành của bà, bà sẽ thành công.
Để thành công trong cương vị này, theo tôi, bà Quyền Bộ trưởng phải đề ra được chiến lược của ngành y tế cả nước, tập trung vào mục tiêu như đã nói ở phần trên. Bà nên ra một quy chế làm việc, phân công phân nhiệm cho các thứ trưởng toàn quyền quyết định công việc nhân sự chuyên môn và chịu hoàn toàn trách nhiệm về các quyết định của mình. Chỉ cần thế, bà đã thảnh thơi, dành thời gian suy nghĩ về những vấn đề chiến lược lớn lao trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, biến nước ta thành một quốc gia khỏe mạnh.
Trên thế giới thì thực tế này đã diễn ra từ lâu. Vấn đề là chúng ta có dám vượt qua những rào cản cũ. Đây cũng là câu chuyện của tầm vĩ mô, cao hơn nữa kia.
Là một người đã từng hoạt động ở trong hệ thống y tế nước nhà nên tôi ít nhiều cũng có những hiểu biết về tổ chức bộ máy và hoạt động của ngành. Dĩ nhiên tôi luôn mong ngành y tế vượt qua cơn khủng hoảng này để đi lên làm tròn bổn phận của mình với xã hội. Bà Quyền Bộ trưởng đã từng thành công trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, là một nhà chính trị chuyên nghiệp, bà sẽ biết làm gì để "quản trị" một bộ nóng bỏng tại thời điểm này.
Chúc bà Đào Hồng Lan thành công!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả