Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn, ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho biết, theo quy luật thời tiết, TP.HCM nắng nóng cao điểm vào quý II, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37-40 độ C, số giờ nắng nóng trong ngày cũng nhiều hơn, thậm chí cả thời gian ban đêm. Do vậy, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cũng tăng lên, chủ yếu vì sử dụng nhiều các thiết bị giải nhiệt, làm mát, đặc biệt là máy lạnh .
Tính đến ngày 26/3, sản lượng tiêu thụ bình quân tại TPHCM đạt 78,13 triệu kWh/ngày, cao hơn 12% (tương đương 8,38 triệu kWh/ngày) so với cùng kỳ năm 2023 do nhiệt độ môi trường tăng.
Dân công sở chọn ở lại văn phòng “cống hiến” mùa nóng
4 người lớn ở trong căn hộ 60m2 với 3 máy lạnh, nhận hóa đơn tiền điện lên đến 3,2 triệu/tháng khiến nhóm bạn nam ở quận Tân Bình “bật ngửa”.
“Tụi mình thuê căn hộ ở ghép, có người đi làm, có bạn là sinh viên. Từ đầu tháng 3, thời tiết đã rất nóng bức. Do nhà hướng Tây, đứng gió, buổi trưa ai ở nhà nấu ăn rất bí bách, chịu không nổi nên phải bật máy lạnh phòng khách. Đến tối thì phòng nào cũng bật máy lạnh cả đêm do tụi mình là con trai, hay đổ mồ hôi trộm”, bạn Hòa, sinh viên năm 4 một trường Đại học ở TP.HCM cho biết.
Theo Hòa, thông thường mỗi tháng tiền điện cao lắm chỉ tầm 1,7 triệu, chia ra mỗi người đóng 400 - 500k. Tháng này lại tăng gần gấp đôi nên mọi người bàn với nhau cân đối kế hoạch sử dụng điện trong nhà, gắn thêm quạt treo tường ở bếp.
Đó là chi phí điện tính theo giá nhà nước, với những người thuê phòng trọ, căn hộ dịch vụ với giá điện 4.000 đồng/kWh thì tiền điện phải trả còn cao ngất. Chị Mai Linh, 28 tuổi, thuê căn hộ dịch vụ với giá 5 triệu đồng/ tháng ở quận Phú Nhuận cho biết tiền điện mỗi tháng đều hơn 1 triệu dù chỉ thỉnh thoảng mới bật máy lạnh vào buổi tối. Tháng 3 này trời nắng nóng, nhiều hôm lười lên văn phòng và làm việc tại nhà nóng nực, chị phải bật máy lạnh, kết quả tiền điện lên gần 2 triệu/ tháng khiến chị cảm thấy… yêu văn phòng hơn.
“Giờ ngày nào tôi cũng lên văn phòng ngồi làm việc, hưởng “ké” máy lạnh, tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy”, chị nói.
Gia đình cô Yến, 55 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh thì phải bật điều hòa cả ngày do có người lớn tuổi và em bé nhỏ không chịu được nóng. 3 phòng ngủ đều bật máy lạnh, 2 tủ lạnh to chạy hết công suất, tiền điện của gia đình cô lên đến gần 4 triệu tháng nhưng cả nhà vẫn chấp nhận thay vì chịu nóng.
Cảnh báo hóa đơn tiền điện tháng 4 sẽ tiếp tục tăng
Trong tháng 3, nắng nóng chủ yếu trong buổi trưa; sáng sớm và chiều tối thời tiết dễ chịu nên nhu cầu sử dụng điện tập trung vào buổi trưa. Sang tháng 4 là cao điểm nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37-40 độ C, số giờ nắng nóng trong ngày cũng nhiều hơn.
Thời tiết oi bức từ sáng sớm và kéo dài đến đêm nên thời gian sử dụng máy lạnh, quạt điện… để giải nhiệt, làm mát tại nhiều hộ gia đình sẽ tăng lên. Theo dự báo của ngành điện TP.HCM, sản lượng điện cho các hộ trong tháng 4 sẽ tăng đến 30%-40% so với tháng 3.
"Dự báo sẽ có một số ngày sản lượng tiêu thụ điện vượt trên 95 triệu kWh/ngày, lập kỷ lục mới về tiêu thụ điện tại TPHCM" - Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) nói.
Hệ thống điện TP HCM đã có độ dự phòng về công suất 40%-60% tùy theo cấp điện áp. Do đó, cơ quan này sẽ đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu phụ tải của TP HCM theo tất cả kịch bản tăng trưởng. Tuy nhiên, không loại trừ xảy ra quá tải cục bộ, phạm vi nhỏ do nhu cầu sử dụng tăng đột biến trong cùng một thời điểm.
"Ngành điện thành phố đề nghị khách hàng sử dụng các giải pháp để giảm lượng tiêu hao điện không đáng có. Cụ thể, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, thường xuyên vệ sinh thiết bị điện… Nếu hệ thống làm lạnh của máy lạnh không được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên sẽ gây tiêu hao rất nhiều điện" – ông Kiên nói thêm.