Tài chính

ĐHĐCĐ ACB: Ước lợi nhuận 4.900 tỷ đồng, báo cáo ESG nhận được đánh giá tốt

Sáng ngày 4/4, Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã: ACB) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, dự kiến thảo luận về kết quả và các định hướng kinh doanh, phương án tăng vốn điều lệ và kế hoạch chia cổ tức...

Theo báo cáo tại đại hội, ACB có tổng 66.682 cổ đông nắm giữ hơn 3,88 tỷ cổ phiếu. Tính đến 10h30, số cổ đông dự đại hội đại là 860 cổ đông, đại diện cho hơn 2,5 tỷ cổ phiếu, tương đương với 66,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, đủ điều kiện tiến hành. 

 Cổ đông làm thủ tục trước khi tham dự đại hội. Ảnh: HL.

 Phiên họp cổ đông của ACB. Ảnh: HL. 

PHIÊN THẢO LUẬN

1, Ước tính kết quả kinh doanh quý đầu năm?

Tổng giám đốc Từ Tiến Phát: Tình hình kinh tế quý I khởi sắc, đặc biệt là lãi suất ổn định ở mức thấp, nhưng cũng có điều không thuận lợi như tỷ giá tăng nóng và tăng trưởng tín dụng thấp, bất động sản chưa khởi sắc.

Trong điều kiện đó, hoạt động ACB quý I khá tốt. Tín dụng tăng 3,7% so với cuối năm, cao hơn số toàn ngành hơn gấp đôi toàn ngành và cao hơn hẳn so với cùng kỳ khi quý I năm ngoái giảm 0,6%.

Huy động vốn tăng trưởng 2,1%, huy động CASA cũng tốt hơn mức chung đạt 4,6%, tỷ lệ CASA cải thiện từ 22% lên 23%.

Lợi nhuận dự kiến 4.900 tỷ đồng, bám sát với kế hoạch năm. Mức này giảm nhẹ so với cùng kỳ, do tăng trưởng cao nên có trích lập dự phòng. Ngoài ra quý I/2023 có khoản thu nhập bất thường 390 tỷ đòng, nếu loại trừ thì lợi nhuận cốt lõi vẫn tăng 3%.

2, Quan điểm thế nào về lãi suất, CASA, áp lực nợ xấu? 

CEO Từ Tiến Phát: Chúng tôi dự báo lãi suất huy động vẫn thấp từ nay đến cuối năm, được hỗ trợ từ nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tín dụng chung cả ngành. Lãi suất cho vay dự kiến duy trì khá thấp.

Về bất động sản, ACB không tập trung cho vay các nhà phát triển bất động sản, hiện dư nợ mảng này dưới 2% và không có nợ xấu. Cho vay người mua nhà chiếm 22% và nợ xấu cũng thấp hơn mức chung.

Trái phiếu thì ACB không có đầu tư và chưa có ý định mở danh mục này ra, hoạt động đầu tư trái phiếu ngắn hạn có ở công ty con ACBS nhưng tỷ trọng không đáng kể.

Về Bancassurance, trong năm 2023, doanh số có sự sụt giảm nhưng vẫn là ngân hàng có vị thế hàng đầu trên thị trường. Chúng tôi lập kế hoạch 2024 bằng năm ngoái, có mô hình phân phối bảo hiểm hướng đến chất lượng và minh bạch về tư vấn, tin tưởng khó khăn sẽ qua và thị trường sẽ lành mạnh để tăng trưởng trong năm tiếp theo. 

Chất lượng nợ của ACB đang kiểm soát tốt, đương nhiên có khách hàng khó khăn từ Covid-19 nhưng dư nợ này không còn đáng kể khoảng 3.000 tỷ đồng, sẽ có khó khăn chuyển hóa từ 2-3 năm trước đó. 

Nợ nhóm 2 trở lên có thể bị áp lực nếu khách hàng ở ngân hàng khác bị chuyển nhóm thì ACB cũng phải chuyển nhóm nợ. Chúng tôi có những biện pháp kiểm soát hiệu quả hơn, như với những khách hàng ảnh hưởng bởi các khoản vay ngân hàng khác thì đề nghị quý khách thanh lý các khoản vay ACB.  

Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy: Cố gắng duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp hơn trung bình ngành, không có lý do gì không đạt được được việc này. Còn việc nợ xấu có dưới 1% hay không thì còn tùy thuộc vào điều kiện thị trường, định hướng chung của ngân hàng là dưới 2%. 

3, Chiến lược kinh doanh 3 năm tới

Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy: Chúng tôi kỳ vọng 3 năm tới sẽ khó lường nhưng các doanh nghiệp SME sẽ tăng. Chiến lược là tập trung chất và lượng, tập trung mảng thế mạnh SME, song song đó là tập trung chuyển đổi lấy thêm thị phần mảng doanh nghiệp lớn cũng như đẩy mạnh cho ngân hàng số.

Về quản trị, chúng tôi luôn áp dụng chuẩn mực quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi kỳ vọng kinh tế hồi phục mạnh trong quý II và cố gắng để đạt mức cổ tức 25% cho cổ đông.   

 Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy trả lời chất vấn cổ đông. Ảnh: ACB.

4, Định hướng bán vốn ACBS, đầu tư hệ thống

Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy:  Chúng tôi quan điểm luôn đem giá trị tốt nhất cho cổ đông, trước đây nghĩ có đối tác giúp ACBS nâng tầm cao hơn nhưng qua đàm thảo thì đối tác không có điều kiện như tập đoàn mong muốn và do đó chúng ta tiếp tục tự phát triển.

Vừa qua ACBS vẫn tăng vốn để thuộc top công ty hàng đầu ngành, phía tập đoàn vẫn rất cởi mở nếu có đối tác nâng tầm và tạo sự đột phá cho tập đoàn. 

CEO Từ Tiến Phát: Trong thời gian sớm nhất đến đầu quý III, ACBS sẽ đầu tư hệ thống giao dịch với khách hàng và hệ thống tương tác, giúp việc giao dịch thuận tiện hơn.

Ngân hàng quan tâm quản lý rủi ro về công nghệ thông tin, đầu tư hạ tầng dữ liệu và bảo mật. Đầu tư cho công nghệ thật sự lớn khoảng 1.000 tỷ đồng và nâng cấp thường xuyên, trong đó có đầu tư hạ tầng bảo mật cho các đơn vị trong tập đoàn. 

5, Có tự tin đạt kế hoạch? 

CEO Từ Tiến Phát: Với kết quả quý I như vậy thì khả năng hoàn thành kế hoạch 2024 khá tự tin, theo lộ trình chúng tôi sẽ đạt được.  

Với vấn đề tăng trưởng tín dụng, theo lộ trình có thể vượt qua mức kế hoạch 14% nhưng vẫn theo sát mức do NHNN cấp cho ngân hàng.

CASA có sự cải thiện trong quý I, cuối năm ngoái đã tăng trưởng vượt bậc và kéo dài đến đầu năm nay. Chúng tôi tiếp tục tăng trưởng CASA để thuộc top 5 thị trường. 

Nợ xấu là thách thức lớn của cả ngành ngân hàng nói chung và ACB nói riêng. Nợ xấu ACB cũng có sự tăng nhẹ trong quý I, tuy nhiên mức độ tăng đã giảm dần và đang sát vùng đỉnh. Chúng tôi có thể kiểm soát được ở mức 1,2-1,3%, chúng tôi có những công cụ để kiểm soát được theo quy định của pháp luật.

6, ACB có kế hoạch M&A?

Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy: : Có nhiều TCTD cần sự hỗ trợ, đến thời điểm hiện tại chúng tôi cũng có quan sát một vài đơn vị để có thể M&A, nhưng quan sát kỹ thì thấy vẫn duy trì phát triển nội tại để không bị chệch hướng mong muốn cổ đông.  

Thị trường nội địa cũng còn nhiều tiềm năng, nên không có ý định mở thêm chi nhánh nước ngoài trong thời gian hiện tại.

7, Chuyển đổi chiến lược của công ty?

CEO Từ Tiến Phát: Chúng tôi có hướng phát triển mảng doanh nghiệp lớn và vừa. Nhiều năm qua, ACB cũng dựa vào tăng trưởng mảng bán lẻ với gần 94%, mảng doanh nghiệp vừa và lớn chỉ khoảng 6%. Do đó, nếu ACB khai thác tốt sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhờ còn nhiều dự địa và cao hơn bình quân các năm trước đây.

Chúng tôi phát triển dựa vào mối quan hệ với doanh nghiệp đầu ngành, vẫn còn những tập đoàn và tổng công ty lớn để phát triển tín dụng và mảng phí. Chúng tôi cũng nhắc nhiều chuyển đổi toàn diện mô hình kinh doanh. Việc chuyển đổi lần này để có thể tiếp cận được các khách hàng tiềm năng. Ngay trong quý I thì năng suất đội ngũ ACB tăng thêm 30%, kết quả chuyển đổi đang rất tích cực. 

Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy: Thị phần bán lẻ của ACB khá cao và bắt đầu chững lại, các ngân hàng khác cũng tập trung vào mảng này nên ngân hàng sẽ tập trung củng cố bán lẻ.

Có những khách hàng 5-10 năm qua theo chu kỳ đã phát triển lên quy mô lớn nên phải theo kịp. Khách hàng lớn có chuỗi cung ứng và hệ sinh thái, chúng ta tập trung khai thác vào các dịch vụ và sản phẩm mới cho nhóm khách hàng này. 

8, Hoạt động ESG có lợi ích gì?

Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy: Chúng tôi vẫn làm ESG xuyên suốt hàng chục năm nay. ACB là ngân hàng đầu tiên có báo cáo riêng về ESG. Hầu hết doanh nghiệp FDI hay quỹ nước ngoài đều rất quan tâm báo cáo, đây là xu hướng rõ ràng trên thế giới, việc công bố đã củng cố thêm uy tín cho ACB.

Khi ACB công bố báo cáo đầu tiên thì nhận được nhiều đánh giá rất tốt từ cổ đông nước ngoài và doanh nghiệp FDI, từ đó phát triển thêm mảng tín dụng xanh theo đúng định hướng. Đương nhiên việc đầu tư cũng có chi phí, nhưng tôi tin đây là chi phí phù hợp và đảm bảo sự phát triển trong thời gian dài.

Là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo ESG là tiền đề phát triển mảng tín dụng xanh theo chủ trương của Nhà nước. Việc cung cấp vốn tín dụng xanh sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp có điều kiện phát triển bền vững.

9, Nhận định luật TCTD mới?

CEO Từ Tiến Phát: Luật tổ chức tín dụng mới có 4 yếu tố cần quan tâm.

Trong đó có 2 điểm ACB không bị ảnh hưởng. Tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông hiện không có vấn đề gì. Tỷ lệ cho vay tối đa với 1 khách hàng cũng tương tự, với mô hình bán lẻ nên không tập trung cho 1 số doanh nghiệp lớn nên không bị ảnh hưởng.

Quy định về xử lý tài sản đảm bảo thì sẽ đảm bảo thị trường tốt hơn. Vấn đề Banca thì trung tính, điều này làm cho thị trường lành mạnh hơn, các đơn vị có mô hình tốt sẽ tăng trưởng trở lại.

10, Vụ án Vạn Thịnh Phát có ảnh hưởng gì hoạt động không?

 CEO Từ Tiến Phát: ACB không chịu tác động cũng không hưởng lợi gì.
 

Kế hoạch lãi 22.000 tỷ đồng 

Theo tài liệu đại hội, ngân hàng đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm là 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Ban lãnh đạo kỳ vọng khả năng sớm phục hồi sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp và nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của khu vực hộ gia đình. 

 Nguồn: HL tổng hợp. 

Con số lợi nhuận được đặt ra cùng với mức tăng trưởng cho vay khách hàng là 14% đạt 555.866 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng tín dụng mà ACB cho là phù hợp với tình hình thị trường, đồng thời tuân thủ theo mức NHNN giao.  

Ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 12%, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 11% lên 593.779 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%, con số này cuối năm 2023 là 1,21%. 

Tăng vốn lên gần 44.700 tỷ đồng

Ngân hàng cũng lên kế hoạch chia cổ tức năm 2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023 và còn lại từ các năm trước chưa chia (19.886 tỷ đồng). HĐQT dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương đương giá trị quy đổi là 9.710 tỷ đồng.

Tỷ lệ cổ tức này cũng được ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2024 với mức vốn sử dụng tương ứng là 11.166 tỷ đồng. 

Với mức chia cổ tức này, ACB sẽ tăng vốn điều lệ lên 44.666 tỷ đồng, tăng thêm 5.826 tỷ, tương ứng với gần 583 triệu cổ phần phát hành thêm. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ là quý III/2024.

Ngân hàng cho rằng việc tăng vốn điều lệ là hết sức cần thiết nhằm tăng thêm nguồn vốn trung dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ, thêm vốn để đầu tư cơ sở vật chất, các dự án chiến lược của ngân hàng và nâng cao năng lực tài chính.

Đại hội kết thúc với tất cả các tờ trình được thông qua.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm