Tăng axit uric máu ảnh hưởng tới chức năng thận
Theo Quỹ Thận Hoa Kỳ, tăng axit uric máu là nguyên nhân dẫn tới bệnh gút (> 420μmol/l đối với nam và >360μmol/l đối với nữ) và ảnh hưởng tới chức năng thận. Khi axit uric máu tăng cao, trong quá trình thận lọc máu, axit uric có thể lắng đọng tại cơ quan này dưới dạng tinh thể urat. Các tinh thể urat có thể gây tổn thương, hình thành các tổ chức xơ và dần dần dẫn tới suy thận, đặc biệt nếu bạn không phát hiện và điều trị tình trạng tăng axit uric máu.
Người có axit uric máu cao thường có 4 thói quen này
Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm có nhiều purine
Axit uric là sản phẩm chuyển hóa cuối cùng khi cơ thể phân giải các purine - những hợp chất hữu cơ được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như hải sản, thịt đỏ, nội tạng động vật,... Do đó, việc tiêu thụ quá nhiều các thực phẩm này có thể làm tăng axit uric trong máu, dẫn tới bệnh gout và suy thận.
Ngược lại, nếu có một chế độ ăn ít purin có thể giúp giảm đáng kể nồng độ axit uric trong cơ thể. Bạn có thể ăn các thực phẩm có hàm lượng purin thấp như trái cây, rau xanh, sữa ít béo. Đồng thời, nên tiêu thụ vừa phải các loại thịt, đặc biệt là thịt đỏ. Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới khuyến nghị mọi người không nên ăn thịt đỏ quá 3 lần/tuần và tránh hết sức thịt chế biến sẵn. Thêm vào đó, mọi người nên cân nhắc thay thế thịt đỏ bằng các loại thịt trắng.
Tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường
Đồ uống có đường như nước ngọt có ga, trà có đường, nước tăng lực, có thể góp phần làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể nếu tiêu thụ quá nhiều. Nguyên nhân là do các loại đồ uống này có hàm lượng chất tạo ngọt khá cao. Do đó, hãy tiêu thụ đồ uống có đường với lượng vừa phải. Tốt hơn hết, nên thay các loại đồ uống này bằng nước lọc, trà thảo mộc hoặc một lượng vừa phải nước ép trái cây tươi để giúp giảm nồng độ axit uric trong cơ thể.
Thừa cân, béo phì
Thừa cân, béo phì có thể khiến nồng độ axit uric trong cơ thể tăng cao. Bởi tế bào mỡ tạo ra nhiều axit uric hơn so với tế bào cơ. Thêm vào đó, thể trạng thừa cân, béo phì còn khiến thận không lọc bỏ hiệu quả axit uric. Do đó, giảm cân có thể làm giảm đáng kể nồng độ axit uric trong máu.
Lười ăn chất xơ
Lười ăn chất xơ là việc làm có thể khiến nồng độ axit uric trong máu tăng cao. Chất xơ giúp hấp thụ và loại bỏ axit uric dư thừa ra khỏi máu. Chính vì thế, bạn nên tăng cường bổ sung chất xơ vào chế độ ăn uống bằng cách ăn nhiều trái cây, rau củ; lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt; ăn thêm các loại đậu và hạt.