Chứng khoán

Ông Nguyễn Duy Hưng: KRX lâu dài sẽ thay đổi bộ mặt TTCK Việt Nam, SSI đang dồn lực cho đợt kiểm tra cuối ngày 30/4

SSI:

Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp
TIN MỚI

Chiều ngày 25/4, CTCP Chứng khoán SSI (mã chứng khoán SSI) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 19% so với năm 2023.

Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất của SSI từ trước đến nay. Con số lợi nhuận này nhỉnh hơn so với 3.365 tỷ đồng đạt được năm 2021 khi thị trường chứng khoán bùng nổ, các mảng kinh doanh đều thuận lợi.

HĐQT đồng thời muốn được cổ đông ủy quyền điều chỉnh kế hoạch phù hợp khi mức tăng trưởng và thanh khoản thị trường không đạt mức giả định.

Kết thúc quý 1/2024, doanh thu hợp nhất ước đạt 2.022 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 945 tỷ đồng, lần lượt thực hiện 25% và 28% so với kế hoạch cả năm. Riêng Công ty mẹ đạt lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 727 tỷ đồng, tăng lần lượt 53% và 51% so với cùng kỳ.

Năm 2023, SSI ghi nhận tổng doanh thu đạt 7.158 tỷ, tăng 13% so với 2022 và lợi nhuận trước thuế đạt 2.848,5 tỷ, tăng 35% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế tương ứng thu về 2.493 tỷ đồng.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận cho năm 2023, HĐQT đề xuất mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt 10%, tương đương với số tiền dự chi 1.511 tỷ đồng.

Tại đại hội, HĐQT cũng sẽ trình thông qua tiếp tục thực hiện các phương án chào bán, phát hành cổ phiếu đã được chấp thuận năm 2023, phát hành tối đa 10 triệu cổ phiếu ESOP năm 2024, bầu 2 thành viên hội đồng quản trị và các nội dung khác.

Cuối năm 2023, SSI về 2 phương án tăng vốn bao gồm phát hành hơn 302 triệu cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 20% và chào bán hơn 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 10%. Tổng khối lượng phát hành hơn 453 triệu đơn vị, qua đó tăng vốn điều lệ lên 19.645 tỷ đồng để tiếp tục dẫn đầu về vốn trong nhóm công ty chứng khoán.

Chia sẻ tại Đại hội Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng cho biết: "Niềm vui của tôi là khi nhìn xuống thấy rất nhiều cổ đông đồng hành với SSI trên 20 năm".

Ông cũng thông tin theo quy định của Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ 2021 thì Tổng Giám đốc và chủ tịch HĐQT không phải là người có liên quan. Tuy nhiên, hiện Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng và CEO Nguyễn Hồng Nam (được bổ nhiệm CEO từ 2020) là anh em ruột. Theo ông Hưng, Công ty đã có sự chuẩn bị lực lượng, người kế cận để có người làm Tổng Giám đốc trong tương lai nhằm không vi phạm các quy định mới.

Thảo luận tại Đại hội

1. Hoạt động tự doanh của SSI đang ra sao?

Giám đốc Tự doanh, Kinh doanh nguồn vốn Nguyễn Vũ Thùy Hương: Mảng tự doanh và nguồn vốn đang chiếm khoảng 60% lợi nhuận SSI. Tại Công ty, tự doanh gồm 3 mảng: kinh doanh nguồn vốn, kinh doanh cổ phiếu và kinh doanh phái sinh. Trong đó, kinh doanh nguồn vốn chiếm lớn nhất 45% lợi nhuận SSI và kinh doanh cổ phiếu khoảng 15%.

Trong năm 2023, kinh doanh cổ phiếu có tỷ suất lợi nhuận khoảng 20%, cao hơn mức tăng VN-Index.

2. Động lực tăng trưởng lợi nhuận của SSI chủ yếu đến từ đâu?

Bà Nguyễn Vũ Thùy Hương: Dựa trên kế hoạch kinh doanh 2024 thì có 4 khối kinh doanh chính: bán lẻ, đầu tư nguồn vốn, dịch vụ ngân hàng đầu tư và bán buôn. Với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 19% thì Công ty đặt kế hoạch chung cho tất cả các mảng tương đương với tỷ lệ tăng lợi nhuận của công ty.

3. SSI có làm Marker Maker (vừa mua vừa bán cùng cổ phiếu) không?

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng: Hiện Công ty chưa có hoạt động này. Tuy nhiên, SSI có mảng phái sinh là một dạng này.

Phó tổng giám đốc Nguyễn Đức Thông: Chứng quyền do SSI phát hành thì có làm Maket Maker để thuận lợi cho việc giao dịch của nhà đầu tư, một cách an toàn và thông suốt.

4. SSI đánh giá lộ trình nâng hạng ra sao?

Nâng hạng là chuyện của thị trường, còn SSI chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đón đầu cơ hôi, hỗ trợ các yếu tố cho nâng hạng thị trường.

5. Hiện tỷ lệ Margin tại SSI ra sao?

Bà Nguyễn Vũ Thùy Hương: Đối với phần cho vay margin đây là điều quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Mảng này có lợi đôi bên: công ty chứng khoán có thêm nguồn thu và với nhà đầu tư có thêm đòn bẩy để đầu tư. Do đó, Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh mảng này.

Với SSI, song song với phát triển dư nợ margin thì cũng cung cấp dịch vụ quản trị rủi ro an toàn cho khách hàng.

6. Chiến lược zero fee và cho vay margin ra sao?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Việc cung cấp dịch vụ phụ thuộc nhu cầu khách hàng, Công ty sẽ điều chỉnh bước đi phù hợp, đảm bảo lợi ích Công ty và hoạt động cho khách hàng.

7. Kế hoạch phát hành cổ phiếu hiện tiến độ đến đâu?

Kể từ khi phát hành từ năm ngoái nhưng việc phê duyệt mất thời gian, việc phát hành theo đó chưa hoàn tất.

8. SSI đã kết nối Hệ thống KRX chưa?

Về các đợt test với VSD thì Công ty đã qua các đợt thử nghiệm không có vấn đề gì, dự kiến đợt 30/4 là đợt kiểm định cuối. Công ty khá tự tin kết nối với KRX. Giai đoạn đầu chưa có nhiều thay đổi nhưng KRX là nền tảng, điều kiện cần để có thêm các sản phẩm mới như Day trading, quyền chọn bán, quyền chọn mua. Lâu dài sẽ giúp thay đổi bộ mặt thị trường.

9. Chi phí lãi vay của SSI hiện ra sao?

SSI có thể huy động vốn giá rẻ, còn việc cho vay cụ thể phù thuộc vào điều kiện thị trường. Cá nhân tôi thấy lãi suất cho vay của SSI đang thấp hơn thị trường, đang cho hiệu quả và cân đối được nguồn.

10. Tại sao tốc độ tăng lợi nhuận nhanh hơn doanh thu?

Chứng khoán không giống sản xuất hàng hóa, đôi khi doanh thu tăng 1% nhưng lợi nhuận có thể tăng hơn 1% là bình thường.

11. Sau sự cố của Chứng khoán VNDirect thì SSI tăng cường bảo mật ra sao?

Đây là sự cố không tốt cho thị trường chứng khoán nói chung. Không phải sau sự việc VNDirect Công ty mới quan tâm, mà trước đó SSI đã quan tâm rồi, thậm chí nhân viên còn cảm thấy tại sao SSI quan tâm hơi quá vấn đề này.

Việc đầu tư vào an toàn hệ thống lúc nào cũng là quan tâm hàng đầu, để đảm bảo là làm sao để người xấu vào hệ thống thì phát hiện được ngay và loại càng sớm càng tốt. Nên chúng tôi rất quan tâm và có nhiều kịch bản để xử lý.

Chúng tôi luôn cập nhật các phương pháp tấn công mới để rà soát lại hệ thống và thích ứng, cũng như sao lưu và phục hồi được dữ liệu.

12. Có phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược?

Đối tác phát hành thì phải xem đóng góp gì cho Công ty. SSI quan trọng phải đúng người, đúng giá trị, hợp tác giá trị hơn là việc chỉ phát hành tăng vốn. Công ty vẫn đang theo đuổi và khi nào có sẽ xin ý kiến cổ đông.

13. Thị phần SSI đang giảm, Công ty có chiến lược tăng trở lại ra sao?

Điều này không chỉ SSI mà nhiều công ty lớn cũng đang giảm, chỉ riêng VPS tăng lên. SSI đưa ra rất nhiều giải pháp nhưng phục hồi thị phần nhưng câu chuyện không phải là ngày một ngày hai. Công ty coi thị phần là một điều để phấn đấu chứ không phải là mục tiêu duy nhất. Công ty còn nhiều mục tiêu khác để phấn đấu, không thể bỏ qua yếu tố phát triển bền vững.

14. Công ty đã chuẩn bị đến đâu cho nghiệp vụ prefunding?

SSI là đơn vị đầu tiên đưa ra ý tưởng về prefunding và sẵn sàng đứng ra thực hiện, đảm bảo tự tin nhận thực hiện.

15. Dự báo của SSI về Chỉ số VN-Index lên 1.300 điểm cóquá thấp?

SSI không dự báo VN-Index lên 1.300 điểm mà đây chỉ là giả định dao động quanh mức 1.300 điểm. SSI từ lâu đã không tiên đoán VN-Index cuối năm sẽ chạm ngưỡng bao nhiêu.

16. Theo SSI thì đâu là yếu tố rủi ro lớn nhất cho thị trường?

Rủi ro lớn nhất là lòng tin của nhà đầu tư. May là nhà đầu tư vẫn giữ niềm tin với thị trường chứng khoán, hiện thanh khoản thị trường cũng đã cải thiện.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm