Tài chính

Ngày này năm xưa: Đây là cách cuộc cách mạng nhiếp ảnh ra đời nhờ câu nói của một em bé 3 tuổi

Edwin Land, nhà phát minh thiên tài

Edwin Land hay Edwin Herbert Land sinh ngày 7 tháng 5 năm 1909 tại Bridgeport thuộc bang Connecticut, Mỹ. Ông là con trai duy nhất của một thương nhân kinh doanh sắt thép. Từ nhỏ, Edwin Land đã có được sự giáo dục bài bản. Năm 1926, khi mới 17 tuổi, ông bắt đầu vào học khoa vật lý của trường Norwich Free Academy và sau đó là chuyển sang trường Đại học Harvard.

Sau đó, ông dần dần say mê lĩnh vực vật lý và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của trường. Một trong những đề tài đầu tiên mà Edwin Land tham gia là nghiên cứu phát triển vật liệu cho phim và giấy ảnh. Đây chính là những kiến thức nền tảng giúp ông có được những phát minh vĩ đại cho ngành nhiếp ảnh sau này.

Năm 1932, tại Hội đồng Khoa học của trường Harvard, Edwin đã công bố rằng mình đã chế tạo ra tấm kính phân cực và nó đã giúp ông trở nên nổi tiếng. Ông đã đặt tên cho sản phẩm là Polaroid và đăng ký bản quyền sản phẩm.

Nhưng sau khi công bố sáng chế, Edwin đã có một quyết định táo bạo là thôi học tại đại học Harvard và tự lập nghiệp. Ông đã thành lập trung tâm nghiên cứu các dụng cụ quang học, ống kính camera có tên là Land - Wheelwright Laboratorie cùng với nhà nghiên cứu Georg Wheelwright.

Phát minh thay đổi ngành nhiếp ảnh thế giới

Nhắc đến Edwin Land, thế giới không thể không nhắc đến phát minh “cổ tích” tạo nên sự khác biệt cho toàn bộ ngành nhiếp ảnh. 76 năm trước, 21/2/1947, tại Hội Quang học Mỹ (OSA), ông đã công bố trước toàn thể mọi người về chiếc máy ảnh Polaroid đầu tiên của thế giới.

Ngày này năm xưa: Đây là cách cuộc cách mạng nhiếp ảnh ra đời nhờ câu nói của một em bé 3 tuổi - Ảnh 1.

Polaroid Model 95

Chiếc máy ảnh Polaroid này sẽ cho ra một tấm ảnh nguyên vẹn mà không cần bất kỳ hoạt động tráng phim hay rửa ảnh như với loại máy chụp ảnh thông thường. Tất cả chị vẻn vẹn chưa đầy 1 phút sau khi bấm máy.

Nhiều người thời điểm đó đã coi đây là một phát minh “cổ tích”, khi chỉ trong thời gian ngắn, tấm film đã hiện rõ khung cảnh mà máy vừa chụp được.

Nhưng ít ai biết rằng, chiếc máy ảnh kỳ diệu này được tạo nên nhờ cô con gái 3 tuổi của Edwin Land gợi ý. Vào kỳ nghỉ đông năm 1943, Edwin Land và gia đình đã đi nghỉ dưỡng tại Santa Fe. Một lần sau khi chụp ảnh, con gái của ông là Jennifer, khi ấy mới 3 tuổi đã hỏi bố rằng: “Bố ơi, con có xem được ảnh ngay lập tức không?”.

Tuy nhiên, công nghệ ảnh và những chiếc máy ảnh lúc đó không thể làm được điều này. Nhưng ông đã bị thu hút bởi khái niệm “chụp lấy ngay” và bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về một ý tưởng đột phá.

Từ năm 1943 đến năm 1946, Edwin Land đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu và đến tận 21/2/1947, nhà phát minh mới thành công giới thiệu bức ảnh chụp lấy ngay đầu tiên cho thế giới chiêm ngưỡng.

Tuy nhiên, do một số khó khăn khi chuyển từ phòng thí nghiệm sang đơn vị sản xuất thương mại quy mô lớn, phải đến năm 1948, những chiếc máy ảnh Polaroid đầu tiên, được gọi là Model 95 mới được bán tại một cửa hàng bách hóa ở Boston và hết sạch chỉ trong vài phút.

Ngày 13/8/2015, Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ đã tôn vinh máy ảnh chụp lấy ngay Polaroid của Edwin Land như một National Historic Chemical Landmark - một dấu ấn đóng góp cho lịch sử hóa học quốc gia trong buổi lễ tại bảo tàng MIT ở Cambridge, Massachusetts.

Tổng hợp

Cùng chuyên mục

Đọc thêm