Công nghệ

Người dùng iPhone chi tiền để cài nhạc chuông

Từng nhiều năm dùng Android, Hải Yến, nhân viên văn phòng ở Hà Nội, không ngờ khi thao tác tưởng như đơn giản này trên iPhone lại "vừa phức tạp, vừa tốn tiền". Trước đây, cô vẫn lưu các bài hát yêu thích trên máy để nghe, khi nào cần là có thể đặt làm nhạc chuông.

"Còn với iPhone, tôi mua app làm nhạc chuông gần 100.000 đồng mà vẫn thấy khó dùng, đành phải mua nhạc chuông có sẵn từ Apple với giá vài nghìn đồng", Yến kể. Với nhu cầu đổi nhạc liên tục, cách này tốn kém, nhưng lại chưa thể tùy chỉnh để chọn các đoạn cắt ưng ý như trên Android.

Khác với hệ điều hành Google, iOS không hỗ trợ thêm trực tiếp các bài hát, âm thanh có sẵn vào nhạc chuông. Cách đơn giản nhất là mua qua dịch vụ iTunes Store của hãng, với phí 6.500 đồng mỗi bài. Trong trường hợp muốn tự tạo âm thanh riêng, người dùng phải sử dụng ứng dụng thu âm GarageBand của Apple, hoặc thao tác qua máy tính, dùng phần mềm iTunes hoặc 3uTools. Tuy nhiên, những cách này đều mất nhiều công đoạn khi phải chuyển đổi giữa các thiết bị, định dạng âm thanh trước khi có thể đặt làm nhạc chuông.

Người dùng iOS phải chi 5.000 - 6.500 đồng để có một nhạc chuông. Ảnh: Lưu Quý

Người dùng iOS phải chi 5.000-6.500 đồng để có nhạc chuông. Ảnh: Lưu Quý

Đình Dũng (Hải Phòng) cho biết anh thường dùng âm báo bằng cách tự ghi âm, do không muốn trùng với nhạc chuông mặc định của mọi người. Tuy nhiên, mỗi lần thao tác trên phần mềm như GarageBand hay iTunes thường tốn hàng chục bước mới ra được một nhạc chuông ưng ý. Dũng phải tìm đến ứng dụng hỗ trợ tạo nhạc chuông để làm nhanh hơn, chấp nhận mất phí. "Thích Apple vì mọi thứ đơn giản, nhưng điều đó không áp dụng với việc tạo nhạc chuông", anh nói.

Nắm được nhu cầu của người dùng, các ứng dụng tạo nhạc chuông nở rộ trên App Store từ nhiều năm nay. Xu hướng tìm kiếm về cách tạo nhạc chuông cho iPhone cũng vẫn diễn ra đều đặn, thông qua thống kê của Google Trends. Đến giữa tháng 2, Ringtone Maker thậm chí trở thành ứng dụng được tải về nhiều nhất trên kho ứng dụng ở Việt Nam. Nhiều ứng dụng khác như tạo nhạc chuông từ bài hát, cắt nhạc thu hút hàng trăm nghìn lượt tải từ khi ra mắt.

Dù vậy, các ứng dụng này chỉ hỗ trợ phần nào cho người dùng. Ví dụ Ringtone Maker chỉ giúp chuyển đổi âm thanh từ video, bài hát vào công cụ GarageBand. Sau đó, người dùng vẫn phải thực hiện các bước để chuyển thành nhạc chuông. Dù hoạt động miễn phí, người dùng cho biết đã phải chi 79.000 đồng để nâng cấp tài khoản nhằm tránh quảng cáo từ ứng dụng này.

"Tôi từng trải qua thời soạn tin nhắn để tải nhạc chuông cho điện thoại cục gạch. Không ngờ đến nay vẫn phải làm như vậy trên chiếc điện thoại hơn 30 triệu đồng", Yến nhận xét.

Nguyễn Hiếu, chủ cửa hàng điện thoại tại Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết mỗi tháng vẫn có hàng chục khách hàng qua cửa hàng anh để cài nhạc chuông. "Việc tạo nhạc chuông không hề đơn giản vì mỗi người một ý. Nhưng chúng tôi không thể lấy công nhiều vì mọi người nghĩ đây là chuyện đơn giản", anh nói.

Theo trang SlashGear, Apple vốn nổi tiếng về khả năng tạo ra trải nghiệm liền mạch và đơn giản cho khách hàng. Do đó, không ít người thắc mắc tại sao đến giờ hãng vẫn khiến người dùng gặp khó khăn khi cần đặt nhạc chuông.

Theo trang công nghệ này, khi Apple cho ra mắt điện thoại đầu tiên vào những năm 2000, nhạc chuông vẫn là ngành công nghiệp tỷ USD. Apple từng kiếm bộn tiền từ dịch vụ nhờ giá và chất lượng tốt hơn so với các nhà mạng thời bấy giờ. Đến nay, nhu cầu tạo nhạc chuông riêng giảm đi nhiều, nhưng càng khiến Apple phải duy trì doanh thu cho mảng này.

"Để bảo vệ nguồn thu, Apple đã gây khó khăn cho việc sử dụng nhạc chuông tùy chỉnh trên iPhone, dù với bất cứ phương pháp thay thế nào. Điều này tương tự việc bán iPhone không có sẵn bộ sạc, giúp họ kiếm nhiều tiền hơn khi bán riêng chúng", SlashGear đánh giá.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm