Tập đoàn VinaCapital vừa tổ chức Hội nghị Nhà đầu tư thường niên 2023, thu hút hơn 150 nhà đầu tư quốc tế tìm cơ hội rót vốn vào thị trường Việt Nam. Ông Don Lam, Tổng giám đốc, Cổ đông sáng lập VinaCapital có chia sẻ rõ hơn về tiềm năng của ngành công nghiệp chip bán dẫn.
- Hội nghị Nhà đầu tư thường niên năm nay của VinaCapital có kết quả như thế nào, thưa ông?
- Sự kiện năm nay của VinaCapital thu hút hơn 150 nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam tìm cơ hội rót vốn. Đây là số lượng lớn nhất từ trước đến nay.
Tập đoàn VinaCapital tổ chức Hội nghị Nhà đầu tư lần đầu vào năm 2005, cơ hội để giới thiệu Việt Nam và những cơ hội đầu tư đến với giới tài chính quốc tế. Sự kiện giúp các nhà đầu tư được trải nghiệm Việt Nam thực tế hơn, chứng kiến sự phát triển của đất nước, từ đó thúc đẩy dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam.
Sự kiện năm nay trùng với thời điểm Việt Nam và Mỹ nâng tầm quan hệ, trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện. Sự hiện diện đông đảo của các nhà đầu tư quốc tế phần nào cho thấy Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Hội nghị thu hút các nhà đầu tư châu Âu, nhiều nhất đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản, đặc biệt là hai nhà đầu tư lớn Khazanah Nasional Berhad (Malaysia) và GIC (Singapore).
Các nhà đầu tư tham gia hội nghị quản lý ít nhất 1.000 tỷ USD, chúng ta cố gắng kéo được 0,1% con số này đầu tư vào Việt Nam là điều đáng mừng.
- Ông đánh giá thế nào về cơ hội mở khi khi Việt Nam và Mỹ nâng tầm mối quan hệ?
- Chúng tôi có cơ hội tháp tùng Thủ tướng trong chuyến công tác đến Mỹ hồi tháng 9 vừa qua, trao đổi với đại diện nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước này về mong muốn của họ trong việc tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Một số lĩnh vực được các tập đoàn hàng đầu của Mỹ quan tâm gồm: năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, đặc biệt là ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Việt Nam được các nhà đầu tư Mỹ đánh giá là điểm đến mới, đầy tiềm năng cho ngành công nghiệp chip bán dẫn, nhờ lợi thế địa chính trị, độ mở của nền kinh tế và nền tảng được tạo dựng trong gần 20 năm qua. Ví dụ, tập đoàn Intel đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 2006, đến năm 2021 tiếp tục mở nhà máy lắp ráp chip bán dẫn, mức đầu tư ban đầu 1 tỷ USD.
Việt Nam có thể cạnh tranh, tham gia sâu hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp chip bán dẫn, nhờ lợi thế có sẵn và sự hỗ trợ từ các tập đoàn hàng đầu thế giới. Một số tập đoàn hàng đầu của Mỹ như: Amkor, Synopsys hay Marvell đã có kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam và hỗ trợ chúng ta phát triển nguồn nhân lực cho ngành.
Qua hội nghị nhà đầu tư vừa rồi, chúng tôi cũng lắng nghe ý kiến đề xuất của các nhà đầu tư như sớm hoàn thiện khung pháp lý, nhân lực và cơ sở hạ tầng để phát triển hệ sinh thái bán dẫn của Việt Nam.
- Tiêu chí phát triển bền vững (ESG) có tầm quan trọng thế nào trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam?
- Các nhà đầu tư quốc tế hầu hết bắt buộc phải áp dụng tiêu chí ESG cho các khoản đầu tư của họ ở bất cứ thị trường nào trên thế giới, Việt Nam không ngoại lệ.
Ngoài ra, người dùng cũng muốn tiêu thụ sản phẩm từ các công ty phát triển bền vững và minh bạch. Điều này thúc đẩy Việt Nam và các công ty trong nước tìm hiểu tầm quan trọng của ESG, từ đó thực hiện những điều chỉnh phù hợp để tăng lợi thế cạnh tranh.
ESG là tiêu chí được VinaCapital tích hợp vào giá trị cốt lõi của tập đoàn. Chúng tôi cũng thúc đẩy các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư tìm hiểu và áp dụng tiêu chí này vào hoạt động. Các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, ra mắt quỹ đầu tư tác động khí hậu VinaCarbon, Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, chứng chỉ EDGE Campion do IFC trao cho các dự án BĐS... là minh chứng cho cam kết của VinaCapital, tiên phong phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.
- Tại Hội nghị, các nhà đầu tư gợi ý Việt Nam có thể đăng cai Thế vận hội trong vòng 10 đến 20 năm tới để tạo cú hích phát triển kinh tế. Ông có nhận định gì về đề xuất này?
- Trong quá khứ, chúng ta đã thấy những kỳ tích kinh tế sau khi các nước tổ chức thành công Thế vận hội. Đó là Nhật Bản năm 1964, Hàn Quốc năm 1988 hay Trung Quốc vào năm 2008. Điểm chung của ba nước này là trước khi tổ chức Thế vận hội dẫn đến kỳ tích kinh tế, họ ghi nhận những sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử, từ 10 năm trước đó.
Qua hội nghị, các nhà đầu tư cũng kỳ vọng Việt Nam có thể tạo nên kỳ tích kinh tế lịch sử, tương đồng với các quốc gia kể trên. Điểm khởi đầu có thể là sự kiện nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ vừa qua. Dưới góc nhìn của họ, có thể 10-20 năm tới, việc đăng cai Thế vận hội sẽ là chất xúc tác, thúc đẩy quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút du khách quốc tế, tạo thêm công ăn việc làm và kích thích tăng trưởng cho cả nền kinh tế.