Tham dự chương trình có gần 300 lao động ngành than của 4 công ty trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam là Công ty Than Hà Lầm, Hà Tu, Núi Béo, Hòn Gai.
Phó Chủ tịch Công đoàn TKV, bà Nguyễn Thị Minh cho hay: số đông thợ lò chưa có nhà ở của ngành than có mức thu nhập bình quân cao (bởi đặc thù công việc nặng nhọc) nên khó đáp ứng tiêu chí về thu nhập để có thể mua được nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, Phó Chủ tịch Công đoàn TKV đề xuất với Quốc hội và tỉnh Quảng Ninh có cơ chế đặc thù cho công nhân ngành than được hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi được phép mua các dự án nhà ở xã hội nhưng không tính vào thu nhập thấp. Người lao động ngành có thời gian làm việc trong TKV 2 năm, đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng đầy đủ được mua nhà ở xã hội, không phụ thuộc vào mức thu nhập. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ninh tạo điều kiện cho lao động ngành than vay tiền mua nhà ở xã hội trả góp với lãi suất ưu đãi.
Đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, Công đoàn TKV đề xuất tạo điều kiện hỗ trợ thủ tục để người lao động TKV mua được nhà ở xã hội; đồng thời có ý kiến với Quốc hội, bộ, ban ngành Trung ương và tỉnh Quảng Ninh có cơ chế đặc thù cho người lao động ngành than được hưởng các ưu đãi khi mua nhà ở xã hội mà không phụ thuộc vào mức thu nhập.
Dự án mà Công đoàn TKV tiếp cận để giúp người lao động có thể mua nhà ở là Dự án nhà ở xã hội đồi Ngân hàng thuộc phường Hồng Hải và phường Cao Thắng (thành phố Hạ Long). Dự án này có 02 tòa chung cư gồm 600 căn nhà ở xã hội.
Qua khảo sát, số lượng người lao động thuộc 4 công ty ngành than kể trên chưa có nhà ở và mức thu nhập trung bình tháng sau khi giảm trừ gia cảnh ở dưới mức 11 triệu đồng là 240 người.
Điều này cho thấy, người lao động ngành than khó tiếp cận và không có khả năng mua nhà đất hoặc chung cư thương mại. Vì vậy, nhu cầu mua nhà ở xã hội của người lao động ngành than là phù hợp với điều kiện, tiêu chí mua, thuê nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật.
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam có truyền thống chăm lo, bố trí nhà ở cho công nhân lao động, các mô hình nhà tập thể cho công nhân đã được các mỏ đầu tư xây dựng từ những năm 1970-1980. Tuy nhiên, phần lớn đã được thanh lý cho công nhân làm nhà riêng.
Từ đầu những năm 2000 trở lại đây, Tập đoàn đã triển khai đầu tư 21 chung cư tập thể cao tầng tại 14 đơn vị hầm lò, bố trí cho 7.202 người, đáp ứng nhu cầu một phần về nhà ở cho công nhân, người lao động chưa lập gia đình và công nhân gia đình ở xa.
Tuy nhiên, số lượng nhà ở trên mới chỉ đáp ứng được 2/3 số người lao động có nhu cầu nhà ở. Hiện nay, hàng ngàn thợ lò vẫn phải tự thuê chỗ ở, sống và sinh hoạt trong những khu nhà trọ tạm bợ, thiếu thốn, không đảm bảo các điều kiện thiết yếu như nhà trẻ, trường học, bệnh viên, luyện tập thể thao. Tại các trung tâm như thành phố Hạ Long giá thuê nhà trọ cao.
Công nhân thuê nhà trọ bên ngoài tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các tệ nạn xã hội, điều kiện sống thấp làm ảnh hưởng đến đời sống và làm giảm chất lượng lao động.