Tài chính

Ngân hàng nào sẽ được cấp room tín dụng cao nhất trong năm 2023?

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023. Trong đó, NHNN cho biết, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 vào khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Định hướng tăng trưởng tín dụng trên nhỉnh hơn đôi chút so với năm 2022. Thậm chí nếu điều kiện thuận lợi thì hạn mức tín dụng sẽ được điều chỉnh tăng hơn. Với quy mô tín dụng toàn nền kinh tế vào cuối năm 2022 ước đạt hơn 11,9 triệu tỷ đồng, lượng tín dụng các ngân hàng có thể cho vay thêm trong năm 2023 sẽ rơi vào khoảng 1,67 – 1,79 triệu tỷ đồng.

Trước đó, thị trường cũng xuất hiện một số thông cho rằng, nhiều khả năng NHNN sẽ cấp thêm hạn mức (room) tín dụng cho các ngân hàng thương mại ngay trong tháng 1 này. Cụ thể, các ngân hàng sẽ được cấp room tín dụng khoảng 10-12% tùy theo sức khỏe mỗi ngân hàng.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), ông Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị NHNN xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng ngay từ đầu năm để các tổ chức tín dụng có kế hoạch xây dựng kế hoạch kinh doanh thông qua Đại hội cổ đông vào tháng 4 hàng năm. Bên cạnh đó, xem xét điều chỉnh một số quy định về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN.

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng, việc NHNN sớm công bố room tín dụng và ban hành văn bản sửa đổi Thông tư 22 là tiền đề quan trọng để các ngân hàng cân đối vốn, từ đó chủ động về nguồn vốn và tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm.

Tương tự, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng đề xuất NHNN xem xét cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được chủ động quy mô tăng trưởng tín dụng hàng năm trên cơ sở đáp ứng các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế. Việc gỡ room tín dụng cho khối Big 4 sẽ không ảnh hưởng đến công tác điều hành của NHNN do các ngân hàng thương mại nhà nước đều bị hạn chế bởi quy mô vốn điều lệ.

Cơ chế kiểm soát trần tín dụng đối với các ngân hàng thương mại được NHNN áp dụng từ năm 2011, sau giai đoạn tăng trưởng nóng khiến lãi suất, lạm phát bị đẩy lên cao. Theo đó, mức trần tín dụng áp cho các tổ chức tín dụng bình quân là khoảng 13 - 14%, căn cứ vào tình hình lãi suất huy động vốn, dư nợ cho vay của năm trước, tỉ lệ nợ xấu, năng lực quản trị điều hành... Hàng năm, NHNN thường xem xét cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng vào đầu quý I, rồi sẽ thực hiện điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu điều hành.

Ngân hàng nào sẽ được ''ưu ái'' về room tín dụng trong năm 2023?

Dù chưa công bố chính thức room tín dụng của các ngân hàng trong năm 2023, song tại Chỉ thị 01, NHNN cho biết sẽ thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng ngân hàng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; trong đó căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả xếp hạng TCTD, mức độ tập trung tín dụng, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý TCTD yếu kém, tình hình thực tiễn thị trường,...

Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Theo Chứng khoán VnDirect, NHNN sẽ ưu tiên cấp room tín dụng cao hơn cho các ngân hàng có cơ cấu tín dụng lành mạnh, tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt.

Cụ thể, 4 ngân hàng tham gia vào việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gồm VPBank, MBBank, HDBank và Vietcombank, sẽ được nhận hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, qua đó cải thiện thị phần tín dụng trong năm 2023.

Trong khi đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ vào khoảng 11-12% cho cả năm 2023, thấp hơn mức mục tiêu 15,5-16% của năm 2022 do (1) nhu cầu tín dụng giảm trong bối cảnh lãi suất tăng cùng với các động lực tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm; (2) Quan điểm hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của nhà điều hành.

Theo VDSC, phân bổ hạn mức tín dụng theo mục tiêu sẽ tạo lợi thế cho một số ngân hàng trong khi hạn chế cơ hội tăng trưởng của các ngân hàng khác. Nhóm phân tích cho rằng, tăng trưởng tín dụng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng với danh mục khác nhau, đối với những ngân hàng có một trong những yếu tố sau: (1) Hỗ trợ ngân hàng 0 đồng, (2) Hỗ trợ chi phí tài trợ kinh tế thông qua giảm lãi suất cho vay, (3) Có bảng cân đối ít phơi nhiễm với các lĩnh vực rủi ro; 4) chất lượng thanh khoản của các NHTM sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng cùng ngành. Theo đó, Vietcombank, MB, VPBank, HDBank có thể sẽ là những ngân hàng có hạn mức tăng trưởng cao so với bình quân ngành.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm