Tiền nhàn rỗi của FPT về mức thấp nhất 7 quý
CTCP FPT (Mã: FPT) nằm trong top các doanh nghiệp sở hữu lượng tiền, tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng dưới một năm nhiều nhất sàn chứng khoán.
Tại cuối quý IV/2022, khoản mục này của FPT ghi nhận hơn 19.476 tỷ đồng, chiếm gần 38% tổng tài sản hơn 51.655 tỷ.
So với con số đầu năm là 26.147 tỷ, tổng giá trị tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn của FPT giảm 6.671 tỷ, tương ứng giảm 26%. Còn so với ngày 30/9/2022, khoản mục trên của FPT thấp hơn 4.650 tỷ, tương ứng giảm 19%.
Năm 2022, khoản tiền gửi ngân hàng của FPT đem về cho công ty này 1.348 tỷ đồng tiền lãi, cao hơn 34% so với năm ngoái.
Trích lập dự phòng hơn 1.300 tỷ đồng vào ba công ty liên kết
Ngoài ra, FPT còn đầu tư 3.251 tỷ đồng vào các công ty liên doanh, liên kết, đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Tập đoàn phải trích lập gần 1.351 tỷ đồng dự phòng trong khi đầu năm chỉ trích lập 847 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, FPT sở hữu 8 công ty con trực tiếp, hai công ty liên kết trực tiếp là CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT và CTCP Synnex FPT cùng công ty liên kết gián tiếp là CTCP Quản lý Quỹ đầu tư FPT.
Giữ vững đà lợi nhuận tăng trưởng trên 20%
Năm 2022, doanh thu thuần của FPT đạt 44.017 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.654 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,4% và 20,8% so với cùng kỳ năm 2021. Với kết quả này, công ty đã vượt 4% mục tiêu doanh thu và hoàn thành 100% lợi nhuận năm.
Tính riêng quý IV/2022, doanh thu của FPT là 13.042 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.989 tỷ, tương ứng tăng 22% và 13% so với cùng kỳ năm trước đó.
Khối Công nghệ đóng góp 58% doanh thu và 45% lợi nhuận của tập đoàn
Năm qua, khối Công nghệ (bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài) tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 58% doanh thu và 45% lợi nhuận trước thuế của toàn Tập đoàn, tương đương 25.521 tỷ đồng và 3.421 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 23,1% và 22,2% so với năm trước.
Trong đó, doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) tại nước ngoài đạt 18.935 tỷ đồng, tăng 30,2%, lợi nhuận trước thuế đạt 2.987 tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2021.
FPT cho biết, các thị trường trọng điểm đều giữ được đà tăng trưởng cao, đặc biệt tại thị trường Mỹ (tăng 50%) và châu Á – Thái Bình Dương (tăng 36,4%). Thị trường Nhật Bản, mặc dù chịu tác động của việc đồng Yen mất giá nhưng vẫn tăng trưởng 16% so với cùng kỳ nhờ vào nhu cầu chuyển đổi số tăng cao, đặc biệt trong nửa cuối năm 2022.
Doanh thu chuyển đổi số đạt 7.349 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ.
Mảng dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài cũng ghi nhận doanh thu ký mới đạt 21.594 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD), tăng trưởng 39% so với năm trước. Nhờ những nỗ lực đầu tư vào nguồn nhân lực, năng lực công nghệ, lẫn mở rộng hiện diện trên 29 quốc gia trên toàn cầu, số lượng hợp đồng ký mới có quy mô doanh thu trên 5 triệu USD/dự án là 31 hợp đồng, tăng 63% so với cùng kỳ.
Mảng dịch vụ CNTT tại thị trường trong nước đạt doanh thu 6.586 tỷ đồng và lãi trước thuế 434 tỷ đồng, tăng trưởng 6,3% và 15,3% so với cùng kỳ. Trong đó, các sản phẩm, giải pháp thuộc hệ sinh thái Made by FPT mang lại 1.150 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng hơn 54% so với cùng kỳ.
Khối Viễn thông và Giáo dục tiếp đà tăng trưởng
Doanh thu khối Viễn thông tăng trưởng 16,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 14.730 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 17,6%, đạt 2.818 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu dịch vụ viễn thông tăng trưởng hơn 15%, đạt 13.954 tỷ đồng.
Nhu cầu giáo dục ngành công nghệ thông tin tăng mạnh đã góp phần thúc đẩy doanh thu của mảng Giáo dục của FPT tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.712 tỷ đồng.