Tài chính

Ngân hàng "lắc đầu" cho vay mua, đầu cơ bất động sản: Thận trọng vẫn hơn!

Theo các chuyên gia, không chỉ tín dụng bất động sản giảm mạnh trong những năm gần đây, việc Ngân hàng Nhà nước chỉ cho phép một tỉ lệ cứng với tín dụng bất động sản buộc các Ngân hàng thương mại phải cân đối, vừa thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước vừa đảm bảo an toàn tín dụng cho hệ thống.

Ngân hàng lắc đầu cho vay mua, đầu cơ bất động sản: Thận trọng vẫn hơn! - Ảnh 1.

Hầu hết các ngân hàng đều cho biết sẽ "lắc đầu" với nhu cầu vay mua đầu cơ bất động sản, gom đất...


Tạm dừng cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án

Sacombank vừa có văn bản gửi toàn hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch về việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong năm 2022, yêu cầu "không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, ngoại trừ cho cán bộ, nhân viên và người thân vay mua/ xây/ sửa bất động sản để ở".

Theo đó, việc cấp tín dụng tại ngân hàng này sẽ tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistics…

Một ngân hàng khác là Techcombank cũng thông báo kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và thứ cấp mua bất động sản. Cụ thể, việc giải ngân các khoản vay mua bất động sản sẽ được tạm dừng cho đến hết quý I/2022, việc giải ngân sẽ tiếp tục thực hiện khi sang quý II/2022.

Trước chủ trương tạm ngừng giải ngân đối với lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB nhận định, động thái trên của các ngân hàng nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng . Tuy nhiên, về chính sách điều hành chung thì Ngân hàng nhà nước chỉ có chủ trương kiểm soát chặt hoạt động cho vay bất động sản mà không dừng hoàn toàn.

Thực tế, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước luôn phát đi cảnh báo và kiểm soát chặt hoạt động cho vay bất động sản. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng dành ra một tỷ lệ nhất định trong tổng dư nợ để cho vay lĩnh vực này nhằm giảm rủi ro.

Về vấn đề trên, ông Tiết Văn Thành - Tổng giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng này không siết chặt mà chỉ hạn chế cho vay đối với kinh doanh bất động sản. "Bên cạnh việc tập trung ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank vẫn cho vay đáp ứng nhu cầu thật về nhà ở như mua nhà, xây, sửa nhà của người dân một cách bình thường", ông Thành chia sẻ.



Siết đầu cơ bất động sản

Đối với lĩnh vực bất động sản, ngân hàng tạo điều kiện cho bất động sản nhà ở, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thực, chính đáng. Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng đều cho biết sẽ "lắc đầu" với nhu cầu vay mua đầu cơ bất động sản , gom đất.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước “khóa cứng” tỉ lệ cho vay bất động sản không được vượt quá 8% tổng tín dụng chung của ngân hàng. Ông Đào Minh Tú -  Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt hơn nữa dòng tiền chảy vào bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, với lĩnh vực bất động sản, cơ quan này sẽ siết chặt tín dụng bất động sản có tính chất đầu cơ.

Ngân hàng lắc đầu cho vay mua, đầu cơ bất động sản: Thận trọng vẫn hơn! - Ảnh 2.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kiểm soát chặt dòng tiền cho vay trong lĩnh vực chứng khoán và bất động sản

Đồng tình với chủ trương trên, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, nếu không siết chặt tình trạng ngân hàng cho vay sân sau, bắt tay với doanh nghiệp bất động sản mua trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ, thì đến một lúc nào đó, mức độ nguy hiểm sẽ lan rộng và ngoài tầm tay của cơ quan thanh tra giám sát.

Trong những năm gần đây, các ngân hàng có xu hướng "mở" dần với hoạt động cho vay bất động sản vì nhiều lý do như dễ thẩm định, dễ cho vay và món vay thường lớn, lãi suất cho vay cao hơn, đồng nghĩa với lợi nhuận thu về lớn hơn. Nhờ đó, thị trường bất động sản khởi sắc trở lại, ngân hàng từng bước xử lý được cục “máu đông” nợ xấu.

Tuy nhiên, từ năm 2019, các cơ quan quản lý đã nhận thấy rủi ro đối với hoạt động cho vay bất động sản nên đã siết tín dụng đổ vào lĩnh vực này. Ngay cả trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản từng "nở rộ" trong năm 2020, với phần lớn trái chủ là các ngân hàng, cũng đã được kiểm soát chặt hơn.

Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, việc tạm dừng giải ngân cho vay bất động sản của một số ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến các công ty bất động sản lớn, buộc các doanh nghiệp này phải nâng cao năng lực tài chính.

“Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã âm thầm làm việc này và nhiều chủ đầu tư đã bị hạn chế cho vay hoặc chỉ được giải ngân một phần, buộc phải tìm nguồn vốn ở trái phiếu nhưng Bộ Tài chính đã siết chặt vấn đề dùng vốn ngân hàng để mua trái phiếu, do vậy các doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp khó khăn khá lớn về vốn và không dễ phát hành trái phiếu như trước", ông Hiển cho biết.

Trong tương lai, bất động sản vẫn là lĩnh vực quan trọng để các ngân hàng rót vốn, nhưng ngân hàng sẽ chọn lọc đối tượng vay, chỉ ưu tiên cho vay để giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân. Việc siết vốn vào bất động sản được cho là giải pháp làm lành mạnh thị trường, triệt tiêu nạn đầu cơ, “thổi” cao  giá đất  diễn ra gần đây.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm