Bất động sản

Chậm ban hành hệ số bồi thường cải tạo chung cư: Nhà đầu tư “rối như tơ vò”


Ngày 31/3, Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn về triển khai quy định tại Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (NĐ69). Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo 15 quận, huyện có nhà chung cư cũ và đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, một trong những điểm nổi bật của NĐ69 là quy định về các trường hợp nhà chung cư phải phá dỡ để xây dựng lại hoặc công trình khác theo quy hoạch. Trong đó, nhà chung cư phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ, hết niên hạn sử dụng hoặc chưa hết nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà ở.

“Trường hợp phải phá dỡ khẩn cấp mà chưa có trong kế hoạch cải tạo, xây dựng chưa được phê duyệt, cơ quan chức năng có thẩm quyền phải thực hiện ngay việc di dời các hộ gia đình, sau đó bổ sung trường hợp này vào kế hoạch cải tạo, xây dựng lại của địa phương”- ông Nguyễn Mạnh Khởi cho hay.

Nhiều quận huyện chưa quan tâm đúng mức

Tại Hội nghị, nhiều quận, huyện có nhà chung cư trong diện cải tạo, xây dựng lại và các chủ đầu tư quan tâm đến cải tạo chung cư cũ chia sẻ về những khó khăn trong hoạt động này. Đại diện UBND quận Hà Đông thông tin: Trên địa bàn quận đang có nhiều chung cư đa sở hữu, trong đó có của người dân, nhà nước, doanh nghiệp... chưa được cấp sổ đỏ. Có những khu chung cư từng thuộc cơ quan công an, bộ đội...quản lý. “Vậy những loại hình này có được đưa vào rà soát?”, đại diện quận Hà Đông đặt câu hỏi.

Cũng chung thắc mắc, đại diện UBND quận Thanh Xuân đặt câu hỏi về chi phí kiểm định tính như thế nào? Ngoài ra địa bàn còn có những đặc thù như nhà cũ tường gạch chịu lực, xôi đỗ, nhà dân đã xây 4, 5 tầng... có được kiểm định hay không?

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, NĐ69 quy định hệ số K đền bù cho từng khu vực do UBND cấp tỉnh ban hành nhưng đến nay thành phố Hà Nội vẫn chưa ban hành hệ số đền bù dẫn đến cả một năm trời nhà đầu tư không thể lên phương án làm việc với người dân. “Đây là việc rất bất cập, kéo chậm tiến độ đầu tư, đề nghị thành phố ban hành ngay hệ số đền bù để chủ đầu tư có căn cứ làm việc với người dân”, một chủ đầu tư đề nghị.

Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội, Bùi Tiến Thành cho biết, để triển khai cải tạo, xây dựng chung cư cũ, trách nhiệm của các quận, huyện là rất quan trọng để nhà đầu tư sớm tiếp cận được các dự án. Vừa qua, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã rà soát tại 15 quận, huyện, qua đó thấy trách nhiệm triển khai đề án chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Thành đề nghị quận, huyện cần thành lập ngay Ban chỉ đạo cải tạo chung cư để tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy tham gia; Thành lập Hội đồng thẩm định hỗ trợ tái định cư. Đồng thời xây dựng các kế hoạch chuyên đề, kế hoạch tổng thể, trên cơ sở đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc.

Đối với thắc mắc về hệ số đền bù K, Sở Xây dựng cho biết, đơn vị đang xây dựng hệ số cho từng vùng dựa theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Dự thảo sẽ được gửi xin ý kiến các sở ngành vào tuần tới, sau đó lấy ý kiến phản biện của các ban ngành đoàn thể, đảm bảo công khai, minh bạch.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây Dựng nhận định, Hà Nội cần chỉ đạo các quận, huyện vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong cải tạo, xây dựng chung cư cũ. Trách nhiệm đã được triển khai đến tận xã phường, chính quyền phải thực sự xắn tay vào tham gia cùng các nhà đầu tư. Ngoài ra, thành phố cần sớm phê duyệt giá bồi thường, tái định cư, khi đó nhà đầu tư mới có thể tính toán lợi nhuận, thỏa thuận với người dân để người dân biết được đền bù như thế nào.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm