Tài chính

Ngân hàng đang bơm nhiều tiền hơn cho các doanh nghiệp

Tín dụng tăng tập trung vào nhóm doanh nghiệp

Trong phần lớn năm 2023, tín dụng tăng trưởng yếu hơn đáng kể so với cùng kỳ khi nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp. Sang đến quý cuối cùng, tăng trưởng tín dụng đã ghi nhận sự đột phá mạnh mẽ.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng có sự phân bổ không đồng đều, tập trung vào một nhóm khách hàng tổ chức kinh tế. Theo đánh giá của WiGroup, nhóm ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất là nhóm ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp (bao gồm MB, HDBank, MSB, Techcombank, OCB, LPBank, SeABank và SHB). 

Trong bối cảnh sức cầu thị trường yếu, việc đẩy mạnh giải ngân cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng.

Nhóm chuyên cho vay cá nhân (bao gồm VPBank, TPBank, ACB, VIB và Sacombank) sau khi có tốc độ tăng trưởng chậm trong những quý đầu năm thì đã tăng tốc giải ngân trong quý III và quý IV. Trong khi đó, các ngân hàng quốc doanh (gồm BIDV, VietinBank và Vietcombank) với chiến lược cho vay thận trọng chỉ tăng nhanh tín dụng trong quý cuối cùng.

Nhóm ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng cho vay mạnh nhất. (Ảnh: WiGroup).

Trong phần thuyết minh báo cáo tài chính, một số ngân hàng cũng công bố chi tiết về dư nợ cho vay theo đối tượng khách hàng. Dữ liệu tổng hợp từ 16/28 ngân hàng có phần thuyết minh trên cho thấy dư nợ cho vay tổ chức kinh tế đã tăng 31%, trong khi dư nợ cho vay cá nhân chỉ tăng 8%. Tổng dư nợ cho vay của những ngân hàng này đã tăng 19,7% trong năm 2023. 

16 ngân hàng trên (không bao gồm hai ông lớn BIDV và VietinBank), đại diện cho khoảng 48% dư nợ cho vay khách hàng của 28 nhà băng đã công bố báo cáo tài chính. 

 

Trong danh sách 16 ngân hàng trên, chỉ có duy nhất BVBank (Bản Việt ) ghi nhận dư nợ cho vay tổ chức kinh tế vào cuối năm 2023 giảm so với cuối 2022. 15 ngân hàng còn lại đều ghi nhận mức tăng trưởng từ 5% trở lên.

Đáng lưu ý, các nhà băng chuyên về khách hàng bán lẻ đều ghi nhận mức tăng trưởng cho vay tổ chức rất cao. Cao nhất là VIB với mức tăng 72%; VPBank là 47%, TPBank là 45%. Điều này cho thấy một sự chuyển dịch cơ cấu cho vay nhằm thích nghi với tình hình nhu cầu tín dụng cá nhân yếu hiện nay.

Đồng thời, nhóm các ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp như MB, Techcombank, HDBank, SeaBank, MSB,... vẫn duy trì phong độ. Trong đó, Techcombank và HDBank đạt mức tăng trưởng dư nợ cho vay là 53%.

Trong khi đó, có 5/16 ngân hàng báo có dư nợ cho vay cá nhân giảm, sâu nhất là Kienlongbank (giảm 35%) và VietABank (giảm 22%). Mức tăng cao nhất cũng chỉ là 29%, tại ngân hàng BVBank. 

Ngân hàng đang ngại cho vay cá nhân?

 

Trong báo cáo chiến lược năm 2024, Chứng khoán SSI dự báo dư địa tăng trưởng có thể sẽ đến từ khối doanh nghiệp như: ngành xây dựng cơ sở hạ tầng; doanh nghiệp sản xuất và FDI; và các ngành nghề được ưu tiên (như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghệ cao, SME và công nghiệp bổ trợ).

Trong khi đó, dư nợ cho vay mua nhà khó phục hồi mạnh trong năm 2024 do giá nhà không giảm, trong khi thu nhập và tâm lý người mua nhà bị ảnh hưởng; số lượng căn chung cư mới không nhiều và tài sản của người dân vẫn bị mắc kẹt. Cho vay mua nhà chiếm một tỷ trọng lớn trong cho vay cá nhân.

Tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng của Techcombank chủ yếu từ tăng cho vay với khách hàng tổ chức (tăng từ 193.716 tỷ đồng lên 297.161 tỷ đồng). Tỷ trọng cho vay khách hàng tổ chức tăng từ 47,11% cuối 2022 lên 59,22% vào cuối 2023.

 

Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư cuối quý III, ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank cũng từng tiết lộ rằng ngân hàng muốn tăng tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân, tuy nhiên bối cảnh thị trường hiện nay là không phù hợp. 

“Phần lớn tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2023 được thúc đẩy bởi khách hàng doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã thấy sự phục hồi ở những nhóm khách hàng khác trong danh mục cho vay”, Giám đốc tài chính Techcombank, ông Alexandre Macaire cho biết trong lần chia sẻ với các chuyên gia phân tích mới đây.

 

Vị này cho hay năm 2024, mặc dù đặt mục tiêu đa dạng hóa danh mục tín dụng, Techcombank vẫn sẽ không từ bỏ việc tạm thời tăng trưởng dựa vào lĩnh vực bất động sản thương mại (ReCOM) nếu thấy cơ hội lợi nhuận cao tại doanh nghiệp rủi ro thấp. Tuy nhiên, định hướng trong trung hạn vẫn không đổi.

 

 

 

Tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 tổ chức vào sáng 20/2, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank,ngân hàng có tỷ trọng cho vay cá nhân cao trong hệ thống, cho biết trong tình hình khó khăn hiện nay, ngân hàng đang không dám cho vay cá nhân hay hộ kinh doanh.

"Nhìn vào các hộ kinh doanh có thể thấy đều kiệt quệ. Đi ra đường, cửa hàng đóng rất nhiều. Ngày xưa họ từng là khách hàng của ngân hàng nhưng giờ cũng chẳng có tiền và cũng chẳng ai dám cho vay nữa, cho vay rồi đâu có trả", ông nói.

Bên cạnh đó, các hành lang pháp lý về thu hồi nợ cũng chưa được luật hoá nên các ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn trong thu hồi nợ, khiến việc xử lý nợ xấu của hệ thống bị tắc nghẽn. 

Mặc dù vậy, nhìn vào kết quả kinh doanh của VPBank có thể thấy dư nợ khách hàng cá nhân của ngân hàng mẹ năm 2023 vẫn tăng hơn25% so với cuối năm 2022, với động lực sản phẩm cho vay kinh doanh và thẻ tín dụng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm