Công ty cổ phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) vừa công bố doanh thu thuần trong tháng đầu năm ở mức 3.829 tỷ đồng, giảm hơn 7% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế theo đó giảm gần 19% xuống 245 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tính theo lũy kế, đây vẫn là tháng có lợi nhuận tốt nhất kể từ tháng 2 đến nay và là mức cao thứ 4 trong lịch sử (chỉ thấp hơn các tháng 1/2022, 1/2023 và 2/2023).
Doanh nghiệp bán lẻ lý giải hành vi mua sắm tại thị trường tiêu dùng Việt Nam giai đoạn đầu năm phụ thuộc vào chu kỳ âm lịch. Kết quả thấp hơn cùng kỳ nằm trong bối cảnh sức mua chưa hồi phục và dịp Tết Nguyên Đán, lễ Thần Tài năm nay rơi vào tháng 2.
Xét theo cơ cấu, doanh thu trang sức bán lẻ tháng đầu năm giảm 6,1% so với cùng kỳ do Tết Nguyên Đán đến trễ và sức mua vẫn đang suy giảm.
Doanh thu trang sức bán sỉ tháng 1 năm nay lại tăng 32,6% so với cùng kỳ trong bối cảnh đơn đặt hàng chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán tăng. Doanh thu vàng 24K giảm 15,6% do ảnh hưởng của dịp Tết Nguyên Đán và lễ Thần Tài.
Biên lợi nhuận gộp trung bình tháng 1 đạt 17,2%, giảm so với mức 18,2% cùng kỳ năm 2023 do thay đổi cơ cấu hàng bán trong kênh lẻ. Tổng chi phí hoạt động giảm 3,7%, tương ứng tỷ lệ chi phí hoạt động/lợi nhuận gộp tăng từ 47,5% lên mức 52,1%.
Về hệ thống, PNJ mở thêm 2 cửa hàng mới để nâng tổng số lượng lên 402 điểm bán tại 55 tỉnh thành. Con số này bao gồm 393 cửa hàng PNJ Gold, 3 cửa hàng CAO Fine Jewellery, 5 cửa hàng Style by PNJ và 1 Trung tâm kinh doanh sỉ.
Theo một báo cáo của SSI Research, mức tiêu thụ trang sức kỳ vọng tăng ở mức một chữ số trong năm 2024, sau khi giảm khoảng 10% trong năm 2023. Mức tăng trưởng mạnh hơn trong nửa đầu năm 2024 dựa trên mức nền so sánh thấp, nhưng sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2024.
Nhóm phân tích nhận thấy doanh thu bán lẻ PNJ hồi phục do giành thêm thị phần từ chiến lược dài hạn, điển hình là nhắm đến nhóm khách trẻ hơn và khởi xướng chiến dịch cầu hôn trong nước. Các chương trình tiếp thị giúp tăng lượng khách hàng mới ở các khu vực tier 2,3.