VN-Index khép lại tháng 4 tại mức giá 1.209,62 điểm, giảm 74,57 điểm, tương đương 5,81% so với cuối tháng trước. Với nhịp giảm này, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ngắt mạch tăng 5 tháng liên tục từ vùng 1.020 điểm tháng 11/2023.
Bên cạnh sự điều chỉnh về mặt chỉ số, thanh khoản thị trường cũng giảm mạnh. Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức 24.405 tỷ đồng, giảm 18% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 11,3% so với mức bình quân 3 tháng đầu năm.
Liên quan đến giao dịch của các nhóm nhà đầu tư, cá nhân trong nước là bên mua ròng duy nhất. Giao dịch của nhóm này đã cân lệnh bán ra từ phía khối ngoại, tổ chức trong nước và bộ phận tự doanh công ty chứng khoán.
Cụ thể, NĐT cá nhân mua ròng gần 4.135 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng hơn 6.500 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch mua ròng của NĐT cá nhân diễn ra tại 9/18 nhóm ngành. Trong đó, cổ phiếu bất động sản được mua ròng 3.318 tỷ đồng, là giá trị lớn nhất trong tháng 4.
Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng hơn nghìn tỷ đồng các đại diện thuộc nhóm ngân hàng (3.306 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (1.247 tỷ đồng).
Cùng chiều, các ngành công nghệ thông tin, điện, nước & xăng dầu khí đốt, hóa chất, … cũng thu hút dòng tiền cá nhân trong nước với giá trị thấp hơn.
Chiều ngược lại, NĐT cá nhân tiếp tục bán ròng mạnh nhất cổ phiếu bán lẻ với quy mô 1.367 tỷ đồng. Cổ phiếu ngành tài nguyên cơ bản và xây dựng & vật liệu cũng nằm trong Top rút ròng với giá trị lần lượt là 369 tỷ đồng và 336 tỷ đồng.
Áp lực bán từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở cổ phiếu hàng & dịch vụ công nghiệp (275 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (137 tỷ đồng), …
Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, VHM là cổ phiếu duy nhất ghi nhận giá trị vào ròng trên 2.000 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân giữ vai trò chủ đạo cân lệnh bán ra cổ phiếu VHM từ khối ngoại.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Vinhomes đóng cửa phiên 26/4 tại 40.800 đồng/cp, giảm gần 4,8% so với thời điểm cuối tháng 3.
Theo sau, lực mua các cá nhân tìm đến STB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với giá trị 1.799 tỷ đồng.
Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến các đại diện của bán lẻ, công nghệ, bất động sản, ngân hàng, chứng khoán như MSN (864 tỷ đồng),FPT (671 tỷ đồng), VRE (586 tỷ đồng), VIC (508 tỷ đồng), VNM (429 tỷ đồng), SHB (348 tỷ đồng), LPB (313 tỷ đồng) và VCI (269 tỷ đồng).
Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở mã MWG với 1.269 tỷ đồng. Liên quan đến hoạt động kinh doanh, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với sự chuyển mình về kết quả kinh doanh khi ngắt mạch 5 quý liên tiếp tăng trưởng âm về lợi nhuận.
MWG ghi nhận 31.486 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên 21,3% so với mức 19,2% cùng kỳ và 19,7% của quý IV/2023. Trừ đi các chi phí, MWG báo lãi sau thuế gần 903 tỷ đồng, gấp 42,5 lần quý I/2023.
Năm nay, MWG lên kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu 125.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.400 tỷ lợi nhuận sau thuế; tăng 6% về doanh thu và gấp 14,2 lần lợi nhuận năm 2023. Như vậy, sau quý đầu năm, ông lớn ngành bán lẻ này đã thực hiện được 25% chỉ tiêu doanh thu và gần 38% mục tiêu lợi nhuận năm.
Bên cạnh đó, NĐT ngoại còn bán ròng HPG và KDH với quy mô lần lượt là 570 tỷ đồng và 452 tỷ đồng. Cùng chiều các cá nhân rút ròng hàng trăm tỷ đồng các mã PC1, NLG, HCM, EVF, DXG, TCB và DPG.