Giá điện được điều chỉnh 3 tháng/lần
Theo Quyết định số 5/2024/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, từ ngày 15/5, giá điện được xét thay đổi 3 tháng 1 lần khi chi phí đầu vào tăng từ 3% trở lên. Như vậy, thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 xuống 3 tháng. Mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá. Giá bán điện bình quân được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện. Khi chi phí này giảm từ 1% trở lên so với hiện hành, giá điện sẽ giảm tương ứng. Giá bán lẻ tới người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ tăng khi chi phí sản xuất biến động 3% trở lên.
Giá bán lẻ điện bình quân tăng 3 - 5%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyền quyết định điều chỉnh. Thẩm quyền tăng giá là Bộ Công Thương khi giá điện bình quân tăng 5 - 10% và trên 10% do Thủ tướng xem xét, quyết định.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương hướng dẫn EVN tính toán giá bán điện bình quân, kiểm tra, giám sát việc điều chỉnh giá điện. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về giá.
Giá bán lẻ điện hiện thực hiện theo Quyết định 24/2017, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá điện là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên.
Điều kiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp
Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp có hiệu lực từ 1/5. Trong đó, Nghị định quy định rõ điều kiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp.
Cụ thể, Nghị định quy định thành lập cụm công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:
Có trong Danh mục các cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có quỹ đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn cấp huyện;
Có doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có tư cách pháp lý, có năng lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp;
Trong trường hợp địa bàn cấp huyện đã thành lập cụm công nghiệp thì tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp đạt trên 50% hoặc tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê của các cụm công nghiệp không vượt quá 100 ha. về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản bị phạt tiền từ 5 - 200 triệu đồng tùy thuộc vào các hành vi vi phạm.
Thành lập hai thành phố thuộc tỉnh Bình Dương và Tiền Giang
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thành lập TP Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương, TP Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang, hiệu lực từ 1/5.
TP Bến Cát được thành lập trên cơ sở thị xã Bến Cát, rộng 234,35 km2, dân số gần 364.600, gồm 7 phường: An Điền, An Tây, Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa và xã Phú An. Thành phố này giáp TP Tân Uyên, TP Thủ Dầu Một, các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và TP HCM.
TP Gò Công được lập trên cơ sở thị xã Gò Công, diện tích 101,69 km2, dân số 152.000. Thành phố giáp huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây và tỉnh Long An. Sau khi sắp xếp, TP Gò Công gồm 7 phường: 1, 2, 5, Long Chánh, Long Hòa, Long Hưng, Long Thuận và 3 xã Bình Đông, Bình Xuân, Tân Trung.
Vi phạm quy định về khai thác thủy sản trong khu vực cấm bị phạt tới 90 triệu đồng
Nghị định 38/2024/NĐ-CP ngày 5/4 của Chính phủ quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, có hiệu lực từ 20/5.
Đối với quy định về khai thác thủy sản trong khu vực cấm, Nghị định quy định phạt tiền từ 70 - 90 triệu đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên làm nghề lưới kéo, nghề và ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu mực) khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác thuỷ sản hoặc khu vực cấm khai thác thuỷ sản có thời hạn mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi vi phạm quy định về quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm bị phạt từ 10 - 200 triệu đồng.
Hành vi vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn biển bị phạt từ 50 - 200 triệu đồng.
Đối với vi phạm quy định về giống thủy sản, Nghị định quy định phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam hoặc chưa được công nhận hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi vi phạm quy định về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản bị phạt tiền từ 2 - 50 triệu đồng.