
Mô hình tấm chắn bụi điện động (EDS) của NASA tại phòng thí nghiệm. Thiết bị được thử nghiệm thành công trên Mặt Trăng sau khi được thiết lập từ tàu đổ bộ Blue Ghost (Ảnh: NASA).
NASA vừa chứng minh hiệu quả của công nghệ lá chắn bụi điện động trong điều kiện hoạt động trực tiếp trên bề mặt Mặt Trăng. Đây là một bước tiến lớn trong tham vọng thiết lập các hoạt động lâu dài trên Mặt Trăng, cũng như các sứ mệnh liên hành tinh trong tương lai.
Hệ thống EDS được lắp đặt và triển khai bởi tàu đổ bộ Blue Ghost của Firefly Aerospace, sau khi con tàu hạ cánh thành công lên Mặt Trăng ngày 2/3 vừa qua.
Công nghệ lá chắn bụi điện động (Electrodynamic Dust Shield - EDS) của NASA từ lâu đã được cho là một giải pháp tiên tiến nhằm loại bỏ bụi Mặt Trăng (regolith) khỏi các bề mặt thiết bị và vật liệu trong không gian.
Công nghệ bắt nguồn từ ý tưởng về màn tĩnh điện, do nhà khoa học FB Tatum và các cộng sự tại NASA đề xuất từ năm 1967. Nguyên lý hoạt động của EDS dựa trên việc sử dụng điện cực và trường điện để đẩy bụi ra khỏi bề mặt vật thể. Thiết bị này được phát triển tại Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida (Mỹ).
Trước khi được thử nghiệm trực tiếp trên Mặt Trăng, công nghệ EDS đã trải qua nhiều kiểm nghiệm trong các buồng chân không, sử dụng mẫu bụi Mặt Trăng do các sứ mệnh Apollo thu thập.
Ngoài ra, vào năm 2019, hệ thống này đã có cuộc thử nghiệm đầu tiên trong môi trường không gian trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trong khuôn khổ sứ mệnh Vật liệu Thí nghiệm Trạm vũ trụ quốc tế (MISSE)-11.
Được biết, regolith là một trong những thách thức lớn đối với các sứ mệnh khám phá Mặt Trăng, vì loại bụi này có tính mài mòn cao và có thể gây hư hại cho phần cứng tàu vũ trụ, bộ đồ du hành cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.
Do đó, việc EDS vượt qua thử nghiệm thực tế là một tín hiệu đầy hứa hẹn. NASA nhấn mạnh rằng công nghệ này có thể ứng dụng rộng rãi trên nhiều bề mặt khác nhau trong không gian, từ bộ tản nhiệt, tấm pin mặt trời, ống kính máy ảnh đến giày và tấm che mũ bảo hiểm của phi hành gia.
NASA cũng đặt nhiều kỳ vọng vào công nghệ này như một giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của bụi Mặt Trăng khỏi lớp bề mặt, góp phần quan trọng vào sứ mệnh Artemis - chương trình đưa con người quay trở lại và thiết lập sự hiện diện lâu dài trên Mặt Trăng.