Khoa học

Nắng nóng bất thường đang thách thức các dự đoán về khí hậu

Tóm tắt:
  • Bà Helen Clarkson cảnh báo mối đe dọa khí hậu đang bị lãng quên trước các vấn đề khác.
  • Tháng 3 vừa qua, nhiệt độ toàn cầu ghi nhận cao nhất lịch sử, đạt 1,6⁰C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
  • Nhiệt độ cực đoan tiếp tục diễn ra đến năm 2025, thể hiện tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra.
  • Các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng, bao gồm hạn hán, mưa lớn và lũ lụt, gây ảnh hưởng nặng nề.
  • Sự chú ý toàn cầu đang giảm sút đối với khí hậu, trong khi năm 2023 có thể là năm nóng nhất trong lịch sử.

Nhiệt độ toàn cầu bất thường thách thức giới hạn khoa học

Nắng nóng bất thường đang thách thức các dự đoán về khí hậu - 1

Tháng 3 vừa qua, nhiệt độ toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục (Ảnh: Getty).

Tháng 3, nhiệt độ toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục, tiếp tục chuỗi nắng nóng chưa từng có bắt đầu từ giữa năm 2023 và khiến cộng đồng khoa học toàn cầu lúng túng trong việc đưa ra các lời giải thích đầy đủ.

Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S), châu Âu ghi nhận tháng 3 nóng nhất trong lịch sử, với biên độ nhiệt vượt xa mức trung bình, trong khi dữ liệu toàn cầu cho thấy đây là tháng 3 nóng thứ 2 từng được ghi nhận trong tập dữ liệu của Copernicus, chỉ đứng sau mức đỉnh được xác lập vào giữa năm 2024.

Điều đáng báo động là kể từ tháng 7/2023, gần như mọi tháng đều ghi nhận nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn ít nhất 1,5⁰C so với mức tiền công nghiệp, ngưỡng mà Hiệp định Paris năm 2015 đã xác định là giới hạn cần tránh vượt qua để ngăn chặn hậu quả khí hậu nghiêm trọng.

Nhiệt độ tháng 3 theo đó, đã cao hơn 1,6⁰C so với thời kỳ tiền công nghiệp, mức tăng đủ để các nhà khoa học xếp hiện tượng này vào nhóm "bất thường cần được giải thích thêm", theo nhận định của Friederike Otto, chuyên gia tại Viện Grantham về Biến đổi Khí hậu và Môi trường, Đại học Hoàng gia London.

Trước đó, trong bối cảnh hiện tượng El Nino (thường đi kèm tình trạng nóng toàn cầu) đã đạt đỉnh từ đầu năm 2024 và dần suy yếu, nhiều chuyên gia kỳ vọng nhiệt độ toàn cầu sẽ dần giảm.

Tuy nhiên, tình trạng nhiệt độ cực đoan vẫn tiếp diễn đến năm 2025, cho thấy ảnh hưởng sâu rộng của biến đổi khí hậu do con người gây ra, đặc biệt là từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt.

Robert Vautard, nhà khoa học hàng đầu của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), gọi tình trạng hiện nay là "cá biệt", nhưng vẫn nằm trong các mô hình biến đổi khí hậu được dự đoán, dù có nhiều biến số phức tạp chưa được hiểu rõ hoàn toàn.

Mối lo chưa được quan tâm đúng mức

Nắng nóng bất thường đang thách thức các dự đoán về khí hậu - 2

Biểu đồ nhiệt tháng 3 so với cùng kỳ giai đoạn 1991-2020 (Ảnh: C3S/ECMWF).

Báo cáo từ Copernicus chỉ ra rằng một số khu vực ở châu Âu đã trải qua tháng 3 khô hạn nhất trong lịch sử, trong khi những nơi khác lại ẩm ướt chưa từng thấy trong gần nửa thế kỷ, cho thấy mức độ phân cực khí hậu ngày càng rõ rệt.

Theo nhà khí hậu học Bill McGuire từ Đại học London, những biến động này là minh chứng cho tính bất ổn của khí hậu toàn cầu, vốn sẽ dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên hơn như hạn hán, mưa lớn, lũ lụt hay sóng nhiệt.

Sự nóng lên toàn cầu không chỉ biểu hiện qua nhiệt độ tăng mà còn ở sự tích tụ năng lượng nhiệt trong hệ thống khí hậu, đặc biệt là trong các đại dương. Nước biển ấm hơn dẫn đến bốc hơi nhiều hơn, gây ra lượng ẩm cao trong khí quyển, từ đó kích hoạt mưa lớn và lũ lụt, đồng thời tăng cường độ cho các cơn bão.

Các dị thường về lượng mưa và nhiệt độ trong tháng 3 được minh họa rõ nét qua dữ liệu của ECMWF, cho thấy nhiều khu vực bị ảnh hưởng sâu sắc bởi hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu.

Điều đáng lo ngại là trong khi dư luận quốc tế đang hướng sự chú ý tới vấn đề về kinh tế, thì những hậu quả về khí hậu - như nắng nóng thiêu đốt tại Ấn Độ hay lũ lụt tại Úc - dường như không được quan tâm đúng mức.

Bà Helen Clarkson, Giám đốc điều hành Climate Group, cảnh báo: "Mối đe dọa với hành tinh là hiện hữu, nhưng sự chú ý của chúng ta lại ở nơi khác".

Với việc năm 2023 và 2024 trở thành hai năm nóng nhất lịch sử, và năm 2023 là lần đầu tiên vượt mức 1,5⁰C trong suốt một năm dương lịch, các nhà khoa học ngày càng lo ngại rằng mục tiêu giới hạn 1,5⁰C theo Thỏa thuận Paris đang trở nên xa vời.

Dù mức vượt 1,5⁰C trong một năm chưa phải là sự phá vỡ vĩnh viễn, song nếu xu hướng hiện tại kéo dài, thế giới có thể vượt ngưỡng 1,5⁰C một cách bền vững vào tháng 6 năm 2030, theo xu hướng nhiệt độ trung bình 30 năm.

Nguyên nhân chủ yếu của sự nóng lên toàn cầu vẫn được xác định là do hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, nhưng các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu những yếu tố khác có thể góp phần đẩy nhiệt độ lên mức cao kỷ lục, như biến động trong cấu trúc mây toàn cầu, ô nhiễm không khí, hoặc khả năng hấp thụ carbon của các bể chứa tự nhiên (như rừng và đại dương) đang bị suy giảm.

Nhiều chuyên gia cho rằng giai đoạn hiện tại có khả năng là thời kỳ ấm nhất trong 125.000 năm qua. Đây là lời cảnh báo nghiêm trọng cho toàn nhân loại về tính cấp thiết của hành động khí hậu ngay lập tức và trên quy mô toàn cầu.

Các tin khác

Bác sĩ tiêu hóa chỉ rõ 4 nhóm đối tượng cần nội soi dạ dày sớm để ngăn chặn ung thư

Theo BSCKII. Nguyễn Thị Thu Hiền, Trung tâm Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, nội soi dạ dày là phương pháp thăm khám trực tiếp thực quản, dạ dày và tá tràng bằng ống soi mềm có gắn camera, giúp bác sĩ quan sát rõ tổn thương, chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa, ngăn chặn sớm những biến chứng nguy hiểm như chảy máu dạ dày, ung thư.

5 thay đổi trước tuổi 50 giúp tăng tuổi thọ

Trong nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine, các nhà khoa học đã chỉ ra 5 yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến tuổi thọ mà nếu điều chỉnh kịp thời trước tuổi 50 có thể giúp bạn kéo dài tuổi thọ thêm đến 14 năm!

Dân chơi ma túy "gãy cánh"

2 nhóm với 6 dân chơi thuê phòng khách sạn ở TP.Đà Nẵng để tổ chức sử dụng trái phép ma túy, trong lúc bay lắc đã bị lực lượng công an đột kích bắt giữ.