Bắt đầu từ học kỳ này, Lee gia nhập Khoa Kỹ thuật Cơ khí tại Viện Khoa học và Công nghệ quốc gia Ulsan (UNIST) với tư cách giáo sư bổ nhiệm đặc biệt.
Trong cuộc họp báo ngày 11/4, khi hồi tưởng trận đấu biểu tượng năm 2016 của mình với AlphaGo, Lee bày tỏ hi vọng sẽ giúp sinh viên phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy đổi mới. Đây là những kỹ năng giúp các em dẫn đầu trong thời đại AI.
AlphaGo là chương trình chơi cờ vây do DeepMind Technologies thuộc Google phát triển từ năm 2015.

Theo Lee, AI không phải đối thủ cạnh tranh mà là đối tác: “Thông qua làm việc với AI, chúng ta có thể thoát khỏi những ràng buộc áp đặt lên bản thân”.
Học kỳ này, Lee sẽ giảng dạy khóa học "Thiết kế trò chơi với bàn cờ (board game) cho các nhà khoa học". Trong khóa học, sinh viên lên ý tưởng và xây dựng board game của riêng họ. Lớp học khuyến khích tư duy logic và sáng tạo, cờ vây cũng là một phần quan trọng của chương trình giảng dạy. Qua đó, người học được tiếp xúc với các vấn đề phức tạp và học cách phát triển các giải pháp. Ông muốn giúp học sinh hiểu rõ hơn về cách con người và AI có thể cùng tồn tại.
“Dù cố gắng chơi cờ vây một cách sáng tạo, tôi vẫn có những quan niệm cố hữu mà bản thân không hay biết. Chỉ thông qua việc cạnh tranh và hợp tác với AlphaGo, tôi mới có thể phá vỡ những ràng buộc về tinh thần - và tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm đó”.
Theo Korea Times, "huyền thoại" cờ vây Lee Se Dol thống trị sàn đấu quốc tế trong 24 năm và 4 tháng trước khi giải nghệ vào năm 2019. Vào tháng 3/2016, ông trở thành người duy nhất chiến thắng trước AlphaGo dù thất bại chung cuộc với tỉ số 1-4. Từ đó đến nay, chưa có con người nào đánh bại được AI này.
Quyết định gia nhập một trường đại học khoa học và công nghệ của ông thu hút sự quan tâm lớn. Ông nói nguyên nhân bước chân lên bục giảng là muốn thúc đẩy tư duy sáng tạo và táo bạo cho học sinh.
Về phía UNIST, trường cũng đang muốn chuyển đổi môi trường giáo dục và nghiên cứu, tích hợp AI trong tất cả lĩnh vực để phù hợp hơn với kỷ nguyên mới. Chủ tịch UNIST Park Chong-rae muốn trang bị kiến thức cơ bản về AI cho tất cả sinh viên dù theo chuyên ngành nào. Trường cũng sẽ tạo ra một môi trường học tập có sự hỗ trợ của AI với các mô hình ngôn ngữ nhỏ (SLM) và các phòng thí nghiệm tự động.
Trận đấu của Lee với AlphaGo khơi mào cho các cuộc tranh luận về mối quan hệ giữa con người và AI. Trong khi một số người xem AI là mối đe dọa đối với việc làm, những người khác bày tỏ lo ngại về sự phụ thuộc quá mức. Cựu kiện tướng cờ vây cho rằng
"Chúng ta phải chuẩn bị để tận dụng các thành quả của AI trong các lĩnh vực như nghệ thuật và công nghệ, đồng thời nâng cao năng lực độc đáo của con người để phân biệt chúng ta với máy móc", Lee nói.
(Theo Korea Times)