Theo văn hóa dân gian của người châu Á thì tháng 7 âm lịch còn gọi là "tháng cô hồn" hay "tháng ngâu". Với quan niệm đây không phải thời điểm may mắn, hầu hết các ngành nghề kinh doanh đều có sự dè dặt nhất định trong thời gian này.
Thị trường chứng khoán Việt Nam lâu nay thường đi xuống trong thời gian này, tuy nhiên những năm gần đây hiệu ứng “tháng ngâu” dường như đã không còn nhiều tác động đến thị trường. Cụ thể, thống kê trong 12 năm (2010 - 2021), tỷ suất bình quân của các chỉ số thị trường đều dương, phản ánh trạng thái giao dịch tích cực của kênh chứng khoán. Mức tăng mạnh nhất là UPCoM-Index với 1,62%, tiếp theo là HNX-Index (0,77%), VN-Index (0,35%), kém nhất là VN30-Index với 0,25%.
Lý giải về nguyên nhân thị trường thường biến động hẹp trong “tháng cô hồn”, ông Trần Đăng Nam, Giám đốc Dự án Môi giới cá nhân Chi nhánh Hà Nội thuộc CTCP Chứng khoán SSI cho biết “tháng cô hồn” của Việt Nam là tháng 7 âm lịch tương ứng với nó là tháng 8 dương lịch.
Với những người môi giới chuyên nghiệp hay còn gọi là “bầy sói”, đây là giai đoạn mở đầu của chu kỳ đi săn mới. Chu kỳ đi săn này tương đối lâu, có thể kéo dài từ nay đến hết quý IV thậm chí đến đầu quý I của năm sau.
Vào đầu mỗi chu kỳ đi săn mới, những thứ tốt xấu hay phân hóa về ngành trong nửa đầu năm đã bắt đầu lộ ra, những con sói nhờ đó sẽ từ từ lựa chọn con mồi và xác định điểm vào. Thường không bao giờ lực cầu mạnh ngay từ đầu, mà thường giá sẽ chỉ tăng mạnh vào cuối chu kỳ, đó là lúc bầy sói đã ăn xong.
Điều này cũng phần nào lý giải vào đầu chu kỳ đi săn mồi, phần trăm thay đổi của các chỉ số thường thấp và không mấy nổi bật.
Cũng theo ông Nam, giai đoạn nào của thị trường cũng có những nhóm ngành được hưởng lợi, bất luận kinh tế có khó khăn đến mấy. Như giai đoạn hiện tại mặc dù dòng tiền đang khó khăn, thay vì dàn trải tiền lớn sẽ tập trung ở một số nhóm ngành cụ thể.
“Tôi đang thấy ở đây nhóm thực phẩm và năng lượng đang được dòng tiền ưu ái vì đây vẫn là những nhóm ngành mang tính thiết yếu, đóng vai trò phòng thủ tốt trong bối cảnh thị trường biến động”, ông Nam cho hay.
Còn theo báo cáo “Triển vọng Thị trường Việt Nam nửa cuối năm 2022 và năm 2023" được SSI Research công bố mới đây, các nhà phân tích cho biết nhóm ngành ưa thích trong ngắn hạn là ngân hàng với luận điểm rủi ro từ nợ tái cấu trúc do COVID có thể không đáng lo ngại tại các ngân hàng lớn.
SSI Research dự báo tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2022 của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu ở mức 38-39%. Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn của ngành ngân hàng liên quan đến thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở nên rõ ràng hơn vào năm 2023.
Theo ước tính của các chuyên gia, một phần tư tổng số trái phiếu bất động sản đã phát hành sẽ đáo hạn vào năm 2022, trong khi 65% sẽ đến hạn vào năm 2023 và 2024. Rủi ro này sẽ thể hiện rõ hơn vào chất lượng tài sản của các ngân hàng từ năm 2023.
Nói đến “tháng ngâu”, nếu được hình tượng hóa sự tích Ngưu Lang Chức Nữ với một sự kiện trên thị trường chứng khoán, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của Chứng khoán SSI cho rằng cuộc gặp này giống như việc nâng hạng của thị trường Việt Nam: Mỗi năm một lần với đợt nâng hạng chính của FTSE vào tháng 9 còn MSCI là vào tháng 5, câu chuyện thì nói cả năm nhưng chúng ta cũng chỉ có 1 – 2 ngày gặp nhau và lại về trong ngậm ngùi.
Liên quan đến những những lo ngại về căng thẳng Mỹ - Trung, ông Hưng đánh giá, thời điểm này khó mà đánh giá ngay được tác động của sự kiện này đến thị trường chứng khoán trong nước.
“Mọi người vẫn đang dừng lại để quan sát, do đó tôi cho rằng chưa có nhiều ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam trong ngắn hạn. Nếu các kịch bản xấu xảy ra, kinh tế thế giởi đối mặt với nhiều thách thức thì Việt Nam cũng khó nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng”.
Trong quá khứ khi diễn ra chiên tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thì ảnh hưởng đến Việt Nam cũng không nhiều lắm, thực tế giai đoạn đó kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức cao tuy nhiên vấn đề với thị trường chứng khoán nói riêng thì yếu tố tâm lý đóng vai trò khá quan trọng. Như năm 2018 mặc dù các chỉ số vĩ mô khá tốt những thị trường vẫn diễn biến xấu.