Cuối tháng 12 vừa qua, công ty dịch vụ tài chính American Express công bố kết quả cuộc khảo sát với 3800 người sinh từ năm 1981 đến năm 2012, về những mục tiêu cá nhân mà họ đặt ra trong năm mới. Kết quả cho thấy: Có tới 57% số người tham gia khảo sát coi "tài chính cá nhân" là mục tiêu lớn nhất trong năm 2024.
Tuy nhiên, khi đi sâu vào khảo sát nhóm người này, "kiếm thật nhiều tiền" lại không phải là ưu tiên số 1 mà họ lựa chọn để hoàn thành mục tiêu tài chính trong năm 2024.
Thay vào đó, 3 gạch đầu dòng dưới đây mới là con đường mà thế hệ GenZ (người sinh từ năm 1997-2012) và Millenials (người sinh từ năm 1980-1990) trong khảo sát của American Express ưu tiên lựa chọn, để hoàn thành mục tiêu tài chính cá nhân của mình trong năm mới
1 - Tăng trưởng quỹ tiết kiệm
Mục tiêu tài chính phổ biến nhất của thế hệ Millennials và GenZ vào năm 2024 là tăng trưởng quỹ tiết kiệm. Gần 60% số người được hỏi đã khẳng định họ tin "tiết kiệm nhiều hơn" là giải pháp hàng đầu giúp cải thiện sức khỏe tài chính.
Để tăng trưởng quỹ tiết kiệm một cách hiệu quả, Sue Gardiner - Giám đốc Tài chính của công ty tư vấn tài chính South County Wealth Planning (Mỹ) đưa ra lời khuyên: "Bạn nên lựa chọn hình thức gửi tiết kiệm cho phép bạn gửi tiền vào bất cứ khi nào bạn muốn, nhưng không cho bạn đáo hạn trước kỳ" .
Theo Sue Gardiner, lựa chọn loại hình và kỳ hạn tiết kiệm là yếu tố cần quan tâm đầu tiên khi một người muốn "để tiền trong ngân hàng", sau đó mới là tới lãi suất và độ uy tín của ngân hàng.
"Để tránh tình trạng đáo hạn trước kỳ và không nhận được đủ phần lãi suất, bạn nên bắt đầu với các gói tiết kiệm thời hạn 2 tháng, sau đó là tới 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và 1 năm" - Sue Gardiner chia sẻ thêm.
2 - Trả hết nợ
Hơn 40% người trả lời thuộc thế hệ Millennial và Gen Z cho rằng việc giải quyết các khoản nợ là mục tiêu tài chính hàng đầu trong năm tới. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi năm vừa qua là một năm khó khăn nhưng lãi suất của các khoản nợ thì vẫn cứ cao chót vót.
Có nhiều chiến lược khác nhau để trả hết nợ, tùy thuộc vào hoàn cảnh của bạn. Một trong số đó là chuyển khoản nợ của bạn sang hình thức trả góp hàng tháng. Với cách này, Sue Gardiner khuyên bạn nên tạo một lịch trình thanh toán nợ chi tiết hàng tháng với kế hoạch chi tiêu rõ ràng để tiện quản lý và có cái nhìn tổng quan về sức khỏe tài chính hiện tại của bản thân.
Sau đó, vị Giám đốc Tài chính này cũng đưa ra một giải pháp khác giúp bạn trả nợ nhanh chóng, hiệu quả hơn: "Hãy áp dụng phương pháp quả cầu tuyết (Debt Snowball)" .
Quả cầu tuyết là phương pháp trả nợ được chuyên gia người Mỹ - Dave Ramsey đưa ra. Với phương pháp này, những khoản nợ của bạn sẽ được ẩn dụ như các quả cầu tuyết nhỏ. Việc trả nợ giống như các quả cầu tuyết nhỏ lăn từ trên cao xuống cuộn thành quả cầu tuyết lớn. Bạn sẽ bắt đầu thanh toán nợ theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, số tiền hoàn thành trả nợ sẽ tăng dần theo thời gian đồng nghĩa với việc sô dư nợ giảm dần.
Dave Ramsey tin rằng điều này sẽ tiếp thêm động lực cho bạn trên hành trình trả nợ, thay vì khiến bạn chìm trong bế tắc, tuyệt vọng.
3 - "Bám sát" ngân sách chi tiêu đã lập ra
Lập ngân sách chi tiêu là nền tảng quan trọng của bất kỳ kế hoạch tài chính nào. 41% GenZ và Millennial cho biết việc tuân theo ngân sách đã đặt ra sẽ là mục tiêu tiền bạc quan trọng đối với họ trong năm 2024.
"Bạn có thể lập ngân sách chi tiêu bằng việc sử dụng các ứng dụng chuyên dùng cho việc này, như Money Lover, Spendee, HomeBudget with Sync,.... Bạn cũng có thể tự tạo một file cá nhân trong laptop, hoặc thậm chí là dùng sổ và bút cũng chẳng sao. Điều quan trọng, cần lưu tâm không nằm ở cách bạn lập ngân sách, mà chính là nó có đủ dễ hiểu, đủ thuận tiện trong việc giúp bạn ghi nhớ và thực hiện hay không" - Sue Gardiner khẳng định và khuyên rằng mọi người nên lập ngân sách chi tiêu với những khoảng thời gian tăng dần (từ hàng ngày, hàng tuần tới hàng tháng, hàng năm).
Sue Gardiner cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thường xuyên cập nhật, kiểm tra và xem lại ngân sách chi tiêu vào cuối mỗi ngày vì "đó là cách hiệu quả nhất để bạn bám sát ngân sách đã đặt ra".
Theo CNBC