Thời sự

10 địa phương có kế hoạch đầu tư công năm 2024 cao nhất nước

Theo thống kê từ Nghị quyết của HĐND các tỉnh, thành phố, Hà Nội và TP HCM là hai địa phương có kế hoạch đầu tư công cao nhất cả nước, lần lượt hơn 81.000 tỷ và hơn 79.000 tỷ đồng. Bình Dương xếp thứ ba với kế hoạch khoảng 22.000 tỷ đồng.

Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu có kế hoạch đầu tư công từ khoảng 17.700 đến gần 20.000 tỷ đồng.  Đồng Nai, Thanh Hóa lần lượt lên kế hoạch chi hơn 15.000 tỷ và hơn 12.000 tỷ cho cơ sở hạ tầng năm nay. Trong khi đó, TP Cần Thơ và Bắc Giang xếp thứ 9 và 10 với kế hoạch lần lượt là hơn 9.700 tỷ và hơn 9.100 tỷ.

 

Hà Nội sẽ khởi công 5 dự án giao thông quan trọng 

Nói thêm về Hà Nội, trong tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố là 81.033 tỷ đồng,  ngân sách Trung ương là 9.451 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 71.582 tỷ đồng.

Về phương án phân bổ, cấp thành phố có 47.410 tỷ đồng; cấp huyện là 33.102 tỷ đồng. Ngoài ra, Hà Nội còn bố trí vốn đầu tư trở lại cho các quận, huyện, thị xã từ tiền thuê đất trả tiền một lần 521 tỷ đồng.

Kế hoạch đầu tư công cấp thành phố (47.410 tỷ đồng) sẽ được bố trí cho 3 nhóm nhiệm vụ. Thứ nhất là, hoàn trả vốn ứng, thanh toán linh hoạt, bổ sung cho Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ địa phương bạn 10.611 tỷ đồng. Thứ hai là, bố trí vốn thực hiện dự án cấp thành phố 26.755 tỷ đồng. Thứ ba là, Chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ mục tiêu cấp huyện, hỗ trợ xây dựng Ban chỉ huy quân sự xã 10.045 tỷ đồng.

Trong năm 2024, Hà Nội sẽ khởi công 5 dự án giao thông quan trọng. Dự án đầu tiên là Đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính đoạn nối từ đường trục phía Nam đến đường Hương Sơn - Tam Chúc.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố để thi công khoảng 13 km, trong tổng số chiều dài hơn 92km tuyến đường từ Mỹ Đình (Hà Nội) đến Bái Đính (Ninh Bình). Theo HĐND TP Hà Nội đây là dự án thuộc nhóm A, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, thời gian thực hiện đến 2025.  

Hà Nội sẽ xây dựng 4 nút giao gồm nút giao với đường trục phía Nam (vị trí đầu tuyến); nút giao với quốc lộ 21B; nút giao với đường liên xã Hương Sơn; nút giao với đường Hương Sơn - Tam Chúc. Trên tuyến sẽ xây dựng cầu vượt sông Đáy và sông Châu Giang. Chủ đầu tư dự án là Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố.

Dự án thứ hai là đường gom phía Đông cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Tuyến đường có chiều dài khoảng 19km. Điểm đầu tuyến tại vị trí nút giao với Tỉnh lộ 427 thuộc xã Vân Tảo, huyện Thường Tín. Điểm cuối tuyến tại vị trí đầu cầu chui đường cao tốc Pháp Vân-cầu Giẽ ra đường gom dân sinh của nút Đại Xuyên và đoạn đấu nối vào nút giao Đại Xuyên, trong đó có 1 cầu vượt trực thông qua đường cao tốc với 3 nhánh tuyến dài khoảng 2,2km.

Trong năm nay, Hà Nội cũng sẽ khởi công cầu Thượng Cát và đường dẫn hai đầu cầu. Cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng được Hà Nội xây dựng trên tuyến đường 3,5 nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh có chiều dài 820m, rộng 33m, thiết kế 8 làn xe. Hạ tầng kỹ thuật của dự án bao gồm hệ thống điện chiếu sáng giao thông, thoát nước trên cầu và hai đầu cầu. Phần đường trong phạm vi nút giao xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước, cây xanh và hào cáp kỹ thuật.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến gần 8.300 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, thời gian thực hiện từ năm 2024 đến 2027. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội là chủ đầu tư.

Hai dự án quan trọng khác làdự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến Quốc lộ 32; cầu Vân Phúc qua sông Hồng và tuyến đường kết nối ra QL32.

TP HCM đặt mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công  

Về kế hoạch đầu tư công của TP HCM, nguồn vốn ngân sách trung ương phân bổ cho TP HCM dự kiến là 3.686 tỷ đồng,  vốn ngân sách địa phương 75.577 tỷ đồng 

Trong vốn ngân sách trung ương, TP HCM đề xuất bố trí cho các dự án xây dựng nút giao An Phú 500 tỷ; dự án thành phần 1 thuộc dự án đường vành đai 3 là 500 tỷ; xây dựng, mở rộng quốc lộ 50 huyện Bình Chánh 45 tỷ đồng; dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên 1.500 tỷ đồng.   

Trước đó, tại tờ trình tình hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh năm 2023 và phương hướng năm 2024, UBND TP.HCM đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân đầu tư công năm 2024 là 95%.          

Cùng chuyên mục

Đọc thêm