Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) đã áp mức phạt tăng cao đối với những hãng xe không đáp ứng các quy định về mức tiêu hao nhiên liệu đối với xe từ đời 2019 đến nay.
NHTSA cho biết quyết định này "làm tăng trách nhiệm cộng với các nhà sản xuất vì vi phạm các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu của quốc gia" và việc tăng hình phạt sẽ khuyến khích các nhà sản xuất cải thiện nền kinh tế nhiên liệu.
Trước đó, chính quyền cựu tổng thống Donald Trump vào những ngày cuối nhiệm kỳ, tháng 1/2021, đã trì hoãn quy định mới trong 2016 về việc áp mức phạt gấp đôi đối với các hãng xe không đạt tiêu chuẩn mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình CAFE (Corporate Average Fuel Economy) kể từ xe đời 2019.
Quy định của NHTSA đã được ký vào ngày 24/3 và sẽ có hiệu lực sau 60 ngày được xuất bản trên cổng thông tin của chính phủ Mỹ.
Theo đó, các mẫu xe 2019-2021 sẽ có mức phạt 14 USD, tăng từ 5,5 USD, đối với mỗi 0,1 dặm/gallon vượt mức tiêu chuẩn về tiêu thụ nhiên liệu, và nhân lên theo số xe không đạt yêu cầu đã bán ra thị trường. Với xe đời 2022, mức phạt cao hơn là 15 USD.
Tại Mỹ, tiêu chuẩn mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình hiện nay đối với ôtô con là 8,55 lít/100 km. Mục tiêu của chính phủ là áp chuẩn 4,3 lít/100 km vào 2025. Quy định ngày càng khắt khe nhằm cải thiện khả năng tiết kiệm nhiên liệu của xe hơi, đồng thời giảm khí thải - yếu tố chính gây ra hiệu ứng nhà kính.
Năm 2016, các nhà sản xuất ô tô từng phản đối đề xuất tăng mức phạtvà cảnh báo chi phí của ngành công nghiệp này sẽ tăng lên ít nhất một tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, các hãng xe có thể tránh các khoản phạt bằng cách mua lại hạn mức từ các đối thủ, điển hình là từ các hãng xe điện.
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, các hình phạt cao hơn được đặt ra bắt đầu từ năm 2019, nhưng chính quyền Trump đã ấn định ngày có hiệu lực là năm 2022 sau quyết định của tòa án.
Theo NHTSA, mức áp dụng mới cho các mẫu xe năm 2019 sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô chịu khoản nợ 294 triệu USD tiền phạt, tăng đáng kể so với 115,4 triệu USD ở mức cũ. NHTSA cho biết thêm, các nhà sản xuất ô tô đã lên kế hoạch từ năm 2019 đến năm 2021 "nghĩ rằng hình phạt sẽ không tăng lên nên họ tự chịu rủi ro."
Hôm 27/3, đại diện cho một nhóm gồm nhiều các nhà sản xuất ô tô lớn (trừ Tesla) cho rằng các khoản phạt nên được đầu tư vào xe điện, pin và cơ sở hạ tầng sạc thay vì biến mất vào quỹ chung của Bộ Tài chính.
Quyết định mới này có thể khiến những hãng xe xăng như Stellantis mất hàng trăm triệu USD. Cuối tuần trước, Stellantis muốn làm việc với chính quyền và Quốc hội để cho phép các cơ quan sử dụng số tiền thu được từ vi phạm tăng cường đầu tư vào các công nghệ và cơ sở hạ tầng cần thiết để thúc đẩy một thị trường xe điện mạnh mẽ tại Hoa Kỳ.
Trong khi đó, các nhóm bảo vệ môi trường kêu gọi chính quyền áp dụng khung hình phạt cao hơn, đồng thời lưu ý rằng mức phạt đối với việc không đáp ứng các yêu cầu tiết kiệm nhiên liệu của Mỹ đã mất gần 75% giá trị ban đầu vì tiền phạt chỉ được tăng một lần, từ 5 USD lên 5,50 USD trong năm 1997, kể từ năm 1975.
Mới đây, Tổng thống Joe Biden đã nói về việc VinFast sẽ xây dựng một cơ sở sản xuất xe điện và pin trị giá 4 tỷ USD tại Bắc Carolina, dự kiến sẽ tạo ra hơn 7.000 việc làm. "Đây là ví dụ mới nhất cho thấy chiến lược kinh tế của chúng tôi đã phát huy tác dụng", Tổng thống Mỹ Joe Biden đích thân đăng tải lời chúc mừng tới VinFast trên tài khoản Twitter chính thức vào ngày 30/3.
Ngoài việc nhắc đến VinFast, ông Biden cho biết gần đây các công ty khác như GM, Ford và Siemens cũng tuyên bố sẽ đầu tư trở lại vào Mỹ và tạo thêm nhiều việc làm. "Những nỗ lực xây dựng nền kinh tế năng lượng sạch đang khuyến khích các công ty sản xuất nhiều hơn ở Mỹ, xây dựng lại chuỗi cung ứng của Mỹ và cuối cùng là giảm chi phí cho người dân Mỹ", ông Biden nói.
Tham khảo: Reuters