Tài chính

Xử lý nợ tái cơ cấu sớm một bước, Techcombank tự tin với sức bật 2022

Xử lý nợ tái cơ cấu sớm một bước, Techcombank tự tin với sức bật 2022 - Ảnh 1.

Xử lý nợ tái cơ cấu sớm một bước, Techcombank tự tin với sức bật 2022 - Ảnh: TCB

Chủ động đối phó với áp lực

Trong giai đoạn trước, Techcombank là một trong những ngân hàng thương mại đầu tiên tất toán toàn bộ nợ bán sang VAMC trước thời hạn. Ngay sau đó, Techcombank là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam áp dụng bộ chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS9, cũng như đi đầu trong hoàn tất Basel II.

Và nay, Techcombank tiếp tục xử lý sớm một trong những áp lực nổi bật của ngành trong năm nay, khi độ trễ ghi nhận nợ tái cơ cấu hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 dần rút ngắn.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, cuối năm 2021, tỉ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống chỉ 1,9%, nhưng nếu tính thêm nợ bán cho VAMC thì con số này đã là 3,9%. Rộng hơn, tỉ lệ nợ xấu nhận diện tổng thể (bao gồm nội bảng, bán cho VAMC và tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại) đã lên mức 7,31% cuối năm 2021, gần tương đương với con số cuối năm 2017 (7,4%).

Nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng gia tăng là điều đã được dự báo trước khi mà sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã gây tổn thất nặng nề đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của người dân.

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng: "Vấn đề nợ xấu có thể trở thành tâm điểm của thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2022, khi tỉ lệ nợ xấu gộp đang ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, có thể phá vỡ thành quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016 - 2020".

Dù vậy, trong bối cảnh khó khăn chung, thị trường vẫn nhận thấy một số trường hợp "cá biệt", với khả năng duy trì bảng cân đối kế toán mạnh. Techcombank là một ví dụ điển hình. Kết thúc năm 2021, tỉ lệ nợ xấu nội bảng của ngân hàng duy trì ở mức 0,7%, thuộc nhóm có tài sản tốt nhất hệ thống.

Chiến lược và quan điểm ứng xử với rủi ro tại Techcombank đã khẳng định xuyên suốt quá trình hoạt động. Kết năm 2021, một lần nữa quan điểm xử lý triệt để tiếp tục thể hiện khi toàn bộ dư nợ tái cơ cấu hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng COVID-19 đã được trích lập dự phòng, sớm trước 2 năm so với thời hạn Ngân hàng Nhà nước cho phép (theo Thông tư 14).

Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư cuối tháng 1 vừa qua, ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính Doanh nghiệp Techcombank từng chia sẻ, chất lượng tài sản luôn được đặt lên hàng đầu tại Techcombank, đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh thì việc quản trị rủi ro càng trở nên quan trọng. "Chúng tôi đảm bảo tỉ lệ bao phủ nợ xấu duy trì ở mức cao 163%, mặc dù tới 92% các khoản vay có tài sản đảm bảo", ông Hà cho biết.

Và kết năm 2021, có một kết quả và so sánh rất đáng chú ý. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lũy kế tổng giá trị nợ các tổ chức tín dụng đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là khoảng 616.000 tỉ đồng, ứng với gần 6% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Trong khi đó, tỉ lệ này tại Techcombank chỉ 0,5%.

Dĩ nhiên, khi đại dịch bùng phát, cuối năm 2020 số nợ tái cơ cấu liên quan tại Techcombank từng lên tới 7.900 tỉ đồng, tương đương 2,8% tổng dư nợ. Nhưng chỉ sau 1 năm, tỉ lệ này đã giảm xuống mức ấn tượng chỉ còn 0,5% ứng với 1.900 tỉ đồng.

Thành quả từ chiến lược hợp lý và tối ưu phân khúc khách hàng

Theo lý giải của lãnh đạo Techcombank tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư nói trên, kết quả này một mặt phản ánh sức phục hồi của khách hàng; mặt khác cho thấy chiến lược hợp lý và tối ưu của ngân hàng trong lựa chọn các phân khúc khách hàng.

Từ những năm 2015-2016, Techcombank đã từng gây bất ngờ trên thị trường khi có tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân lên tới trên 45%. Tỉ trọng từng được xem là rất cao đó chưa từng NHTM nào khác thực hiện. Ở khía cạnh này, "Tech" lại đi trước một bước. Một trong những giá trị của bước đi ở đây là chiến lược ngân hàng bán lẻ để phân tán rủi ro "rải trứng ra nhiều giỏ".

"Tại Techcombank, việc lựa chọn khách hàng luôn đi theo hướng hết sức thận trọng. Chúng tôi chỉ làm trên cơ sở khi đã hiểu rõ khách hàng, hiểu được đặc điểm ngành nghề kinh doanh cũng như quản trị được rủi ro đó. Ví dụ chúng tôi thường chọn cách tiếp cận theo chuỗi giá trị, điều này giúp chúng tôi nắm bắt được toàn bộ dòng tiền của chuỗi giá trị và sẽ quản trị rủi ro tốt hơn", ông Phùng Quang Hưng, phó tổng giám đốc Techcombank, chia sẻ thêm tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư nói trên.

Cũng theo lý giải của ông Hưng, trong chiến lược lựa chọn các phân khúc khách hàng trọng tâm, bản chất khách hàng là những doanh nghiệp tốt, nằm trong những ngành nghề có sự phát triển tốt, cũng như "risk profile" thấp hơn, thì tỉ lệ phần trăm họ có thể đi qua đại dịch một cách lành mạnh thường rất cao. Theo đó, một cách tự nhiên, lượng khách hàng có nhu cầu tái cấu trúc sẽ giảm xuống, khi hoạt động của họ trở lại trạng thái bình thường.

Tính đến cuối năm 2021, tổng số dư trích lập dự phòng của ngân hàng đã lên tới 3.735 tỷ đồng, tăng tới 69% so với năm trước. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu theo đó lên tới 163%, tương đương cứ với mỗi đồng nợ xấu thì ngân hàng đã dành tới 1,63 đồng sẵn sàng đối ứng.

Phó Tổng giám đốc Techcombank cho biết, với "bộ đệm" này, trong năm 2022 và các năm tiếp theo, ngân hàng sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc phải tăng chi phí dự phòng. Đồng thời, khả năng được hoàn nhập dự phòng do khách hàng phục hồi kinh doanh và hoàn các khoản vay và lãi sẽ là một cơ sở quan trọng tạo đà lợi nhuận cao cùng triển vọng đạt kỷ lục mới trong năm 2022.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm