Một trong những quan niệm không bao giờ lỗi thời của dân tình đó chính là "an cư lạc nghiệp". Có căn nhà riêng của mình không chỉ thỏa mãn về mặt tinh thần mà còn là động lực cho mỗi người cố gắng thực hiện các mục tiêu tài chính, nâng cao chất lượng sống. Đấy cũng là lý do khiến nhiều người trẻ ngày càng quan tâm đến nhà đất.
Thế nhưng với tình trạng bất động sản "đắt xắt ra miếng" như hiện nay, một căn nhà nhỏ ở quê cũng hòm hòm trăm triệu, tiền tỷ, lương ba cọc ba đồng biết bao giờ mới mua được? Song, mọi chuyện đều có thể nếu bạn áp dụng bí quyết chia nhỏ thu nhập, tiết kiệm sau đây của tỷ phú giàu nhất Châu Á - Lý Gia Thành.
Lập nghiệp ở tuổi 22, Lý Gia Thành vượt qua rất nhiều khó khăn, vất vả để trở nên giàu có. Ông cũng để lại nhiều lời khuyên, nguyên tắc chi tiêu giá trị. Nổi bật trong số đó chính là nguyên tắc chia 5 thu nhập có thể giúp bạn sớm mua được nhà, sắm xe xịn.
Giả sử lương của bạn đang ở mức 10 triệu, cách chia quỹ như sau:
Quỹ 1: 30% thu nhập (tương đương 3 triệu)
Quỹ 1 với 30% thu nhập này sẽ được dùng cho các nhu cầu thiết yếu. Với mức lương 10 triệu/ tháng thì số tiền trong quỹ 1 của bạn là 3 triệu đồng, tương đương 100k/ ngày để chi tiêu cho thuê nhà, ăn uống, đi lại.
Khoản tiền này có vẻ hạn hẹp nếu phải chi cho quá nhiều nhu cầu thiết yếu, song muốn xây dựng tài chính vững chắc trong tương lai, bạn cần biết cách chi tiêu hợp lý trong hiện tại và chấp nhận hy sinh một số điều nhất định. Hãy tạo cho mình thói quen tự nấu ăn tại nhà, tránh xa hàng quán, ăn uống đơn giản không cầu kỳ, không kén ăn, quan trọng là đủ chất.
Quỹ 2: 20% thu nhập (tương đương 2 triệu)
Theo tỷ phú Lý Gia Thành, quỹ tiền thứ hai nên chi tiêu để mở rộng các mối quan hệ.
Với 20% thu nhập tương đương 2 triệu trong quỹ thứ 2, bạn hãy dùng 3-400k cho tiền điện thoại, 3G… số còn lại dùng cho những lần cà phê, ăn uống với bạn bè.
Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau. Ra ngoài, gặp gỡ nhiều người không chỉ giúp bạn có thêm các mối quan hệ tốt đẹp, sẵn lòng giúp đỡ khi khó khăn còn giúp bạn tăng thêm kiến thức, nhận được những lời khuyên hay ho. Số tiền này chỉ là một khoản phí nhỏ cho những lợi ích to. Với cách làm này, sớm muộn bạn cũng sẽ có một mạng lưới mối quan hệ lớn, nâng cao danh tiếng và tầm ảnh hưởng.
Quỹ 3: 15% thu nhập (tương đương 1,5 triệu)
Đầu tư vào cuộc sống, mối quan hệ xong sẽ đến đầu tư vào bản thân. Khoản quỹ thứ 3 - 15% thu nhập tương đương 1,5 triệu sẽ là số tiền bạn cần dùng cho học tập, phát triển bản thân.
Hãy chăm chỉ mua và đọc thêm nhiều sách để củng cố kiến thức, mở rộng các mối quan hệ với người cùng quan tâm chủ đề này. Tiết kiệm tiền tham gia các khóa học liên quan đến chuyên môn, lĩnh vực mình đang làm để nâng tầm giá trị bản thân, mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Ngoài ra bạn cũng có thể tham gia các khóa kỹ năng sống hoặc kỹ năng thiết yếu khác để làm giàu kinh nghiệm cá nhân ở nhiều lĩnh vực.
Sau này khi thu nhập cao hơn, quỹ số 3 được nâng lên hãy tham gia vào các khóa học xịn sò hơn. Từ đó bạn sẽ vừa nâng cao kiến thức, kết bạn thêm với nhiều người giỏi giang - những người khó gặp được trong cuộc sống hàng ngày.
Quỹ 4: 10% thu nhập (tương đương 1 triệu)
1 triệu đồng trong quỹ 4 này hãy dùng để giải trí, thỏa mãn các sở thích bản thân. Tất nhiên, khoản quỹ 4 này bạn có thể không dùng ngay mỗi tháng mà tích cóp lại đến khi thành khoản kha khá mới bắt đầu giải trí, du lịch trong ngoài nước đều được.
Tham gia nhiều hoạt động giải trí, du lịch và đầu tư cho những sở thích hay ho sẽ giúp bạn mở mang vốn hiểu biết của mình hơn, trưởng thành hơn nhờ có nhiều kinh nghiệm sống. Hãy sử dụng những kinh nghiệm đó để nạp năng lượng cho bản thân, tiếp lửa đam mê trong công việc.
Quỹ 5: 25% thu nhập (tương đương 2,5 triệu)
Cuối cùng, quỹ 5 với 25% thu nhập tương đương 2,5 triệu hãy dùng để đầu tư. Số tiền trong quỹ 5 tuy nhỏ nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng tài sản để mua nhà, tậu xe trong tương lai.
Nếu chưa biết xuống tiền vào kênh đầu tư nào, hãy gửi số tiền này vào ngân hàng để đóng băng tiết kiệm và bảo toàn tiền bạc. Sau đó, khi đã tìm hiểu và có kha khá kiến thức, bạn có thể sử dụng số tiền này để đầu tư hoặc bắt đầu kinh doanh nho nhỏ.
Nếu là đầu tư, hãy xem xét các những khoản đầu tư dài hạn, kiếm tiền chậm nhưng an toàn. Đừng đâm đầu vào thứ mình không hiểu, đừng dễ dàng chi ra những đồng tiền mình vất vả mới kiếm được chỉ vì vài lời mồi chài, hứa hẹn của bất kỳ ai.
Mặt khác, bạn cũng có thể dùng số tiền này bắt đầu kinh doanh nho nhỏ. Đó có thể là bán hàng online, bán đồ tự làm, hùn vốn mở cửa hàng… Kinh doanh nho nhỏ giúp bạn được thỏa mãn hơn nữa những sở thích, điểm mạnh của mình và kiếm được tiền từ chúng. Đây là cách giúp bạn vừa gia tăng thu nhập, vừa giữ được nhiệt huyết khi làm việc.
Ảnh: Tổng hợp