So với các bé gái, hầu hết các bé trai có phần nghịch ngợm, bướng bỉnh và khó dạy dỗ hơn. Khi còn nhỏ, các bé đều rất nghe lời nhưng càng về sau, đặc biệt là lúc bước vào tuổi dậy thì, tâm sinh lý sẽ có nhiều thay đổi. Vì vậy, ngay từ khi con còn nhỏ, phương pháp giáo dục của các bậc cha mẹ sẽ ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ và hành động của con.
Các gia đình có con trai đều hướng tới giáo dục con trở thành một người đàn ông có trách nhiệm, chịu được áp lực và thích nghi được với công việc ở cường độ cao. Để giúp con thêm mạnh mẽ và bản lĩnh, không còn cách nào khác ngoài tạo cho con một môi trường rèn luyện tốt.
Người xưa từng có câu: "Nuôi con gái cần phải giàu, nuôi con trai cần phải nghèo". Để huấn luyện con trai trở thành người đàn ông rắn rỏi, cần chú ý rèn luyện ý chí nghị lực cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Dưới đây là 3 cách nuôi dạy con trai khoa học, đúng đắn mà các bà mẹ nên áp dụng.
1. Hãy trở thành fan girl của con
Ngày nay, ngoài các môn học chính như: Toán học, Ngữ văn, Ngoại ngữ thì nhiều bà mẹ không tiếc tiền đăng ký cho con thêm nhiều lớp năng khiếu, lớp ngoại khoá như: Chơi đàn ghita, chơi piano, đá bóng, chơi bóng rổ,… Họ đều mong con trở thành người nổi tiếng, đa năng, biết nhiều thứ.
Nhưng trẻ thường "cả thèm chóng chán", hào hứng trong thời gian đầu rồi chểnh mảng luyện tập về sau. Có bao giờ mẹ thắc mắc vì sao con nằng nặc đòi đăng ký học chơi thể thao rồi về không chịu luyện tập không? Đó là tính cách của trẻ, vẫn ham chơi hơn ham học, thiếu tính kiên trì nếu không có sự đồng hành của người lớn.
Các bà mẹ nên trở thành một fan "ruột", ủng hộ con trong mọi hoạt động nhé! (Ảnh minh hoạ)
Cách khắc phục tình trạng rất đơn giản, mẹ hãy trở thành một fan girl chính hiệu của con. Nghĩa là trong những buổi con đi học năng khiếu, con tập luyện thể thao, mẹ cũng nên sắp xếp thời gian đi theo. Điều này không cần phải thường xuyên nhưng các bà mẹ phải cho con thấy rằng mình rất quan tâm đến việc học tập của con.
Chẳng hạn như khi con chơi đàn xong, hãy không ngừng khen ngợi con làm tốt. Hay khi kết thúc trận bóng rổ, hãy nói với con về những đường chuyền đẹp, cho con xem những bức ảnh mà mẹ đã chụp lại. Những hành động nhỏ này sẽ khơi dậy niềm hứng khởi và tinh thần trách nhiệm của con. Đồng thời là nguồn cổ vũ, động viên to lớn giúp con theo đuổi niềm đam mê, không bỏ cuộc giữa chừng.
2. Mẹ càng lười – Con càng siêng năng
Những bà mẹ "lười" ở đây là những bà mẹ sáng suốt, biết cách khéo léo dạy con tính tự lập. Thỉnh thoảng, mẹ cần phải "lười" một chút để khiến bản thân thoải mái, gia đình hạnh phúc và giúp con trở nên tự giác hơn.
Chiếm đến 90% các bà mẹ đều có quan điểm rằng con dù lớn đến đâu thì vẫn là con nít trong mắt mẹ, tất cả mọi việc cứ để mẹ lo mới có thể yên tâm. Các bà mẹ có suy nghĩ vậy thường trong tình trạng "đầu tắt mặt tối", hay cáu gắt, luôn mệt mỏi.
Mẹ hãy tích cực nhờ con làm giúp việc nhà phù hợp với khả năng của trẻ. (Ảnh minh hoạ)
Không chỉ thế mà nó còn ảnh hưởng đến những đứa trẻ. Khi trẻ cảm thấy có chỗ dựa vững vàng thì lập tức sẽ sinh lười biếng, ỷ lại, không biết cách chăm sóc bản thân. Trẻ rơi vào tình trạng bị động, luôn phải có mẹ đốc thúc mới hoàn thành mọi việc. Tuy nhiên, không ai có thể giúp con bằng chính con tự giúp mình. Các bà mẹ hãy ở phía sau để đưa ra định hướng giúp con giải quyết vấn đề.
Chẳng hạn như nếu hôm nay mẹ thấy không khoẻ thì có thể nhờ con làm việc nhà: "Hôm nay mẹ mệt, con quét nhà, nấu cơm giúp mẹ nhé?". Cách này giúp con cảm nhận được sự vất vả của người phụ nữ và càng ý thức thêm về vai trò của người đàn ông trong gia đình.
3. Tỏ ra yếu đuối, cần con bảo vệ
Tỏ ra yếu đuối với trẻ không phải là yếu đuối thật sự mà là một kiểu khôn ngoan để giáo dục con cái. Nếu mẹ áp dụng đúng thời điểm, đúng cách sẽ giúp con nâng cao tính tự chủ, trau đồi tinh thần trách nhiệm. Nó đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của con.
Đôi lúc mẹ cần tỏ ra yếu đuối, cần được con bảo vệ, che chở. (Ảnh minh hoạ)
Hãy coi con như những người bạn, cùng con thảo luận và giải quyết mọi vấn đề gặp phải. Đôi lúc mẹ cũng phải tỏ ra yếu đuối, cần sự trợ giúp từ con. Hãy để con hỗ trợ, mẹ sẽ phải bất ngờ trước cách xử lý của con đó. Hãy để con có cơ hội thể hiện, bảo vệ cho mẹ giống cách của người lớn.
Đồng thời, mẹ nên nói cho con hiểu rằng, người lớn cũng có những nỗi sợ, có nhiều lúc không vui, gặp muộn phiền. Vì vậy, cách tốt nhất là thẳng thắn mở lòng, chia sẻ và tìm sự giúp đỡ. Con cái sớm muộn gì cũng trưởng thành và rời khỏi vòng tay bao bọc của cha mẹ. Việc mẹ tỏ ra yếu đuối là điều đặc biệt quan trọng, nếu không con có thể trở thành những "em bé khổng lồ" khi lớn lên.