Năm 1992, một bé gái chưa đầy tháng bị bỏ rơi tại ngôi làng ở huyện Nhạc Tây, thành phố An Khánh, tỉnh An Huy. Sau nhiều ngày không tìm được người đã sinh ra bé, một người dân trong làng nhận nuôi nhưng vài ngày sau trả lại bởi không chịu được tiếng khóc trẻ nhỏ. Tiếp đó, một người đàn ông họ Trương mang về nuôi nhưng cũng chỉ được một tuần lại cho đi. Sau khoảng chục lần, người làng không ai muốn nuôi cô bé nữa.
Lúc này, người làng hỏi bà Hồ Hạnh Trân, một phụ nữ hiếm muộn, rằng có muốn nuôi bé gái không. Trước đó, gia đình bà đã nhận nuôi một bé gái khác, nhưng đứa trẻ mới mất vì bệnh hiểm nghèo. Nhìn thấy cô bé ốm yếu, gầy nhom nằm trong chiếc làn rách, người phụ nữ động lòng trắc ẩn, quyết định mang về nhà. Biết hoàn cảnh gia đình bà khó khăn, nhiều người trong làng động viên: "Thiếu gạo, cứ đến chúng tôi".
Cô bé được cha mẹ nuôi mới đặt tên là Vương Đông Hồng. Để có tiền nuôi con, ngoài làm ruộng, hai vợ chồng Hồ Hạnh Trân phải ra ngoài làm đủ thứ nghề. Vợ thì nhặt rác, cấy cày thuê còn chồng làm thợ xây, cuộc sống vất vả nhưng hạnh phúc vì trong nhà luôn có tiếng nói cười của con trẻ. Nhưng khi Đông Hồng tròn 4 tuổi, cha nuôi trong lúc làm việc, bị ngã từ trên giàn giáo xuống. Giữ được tính mạng nhưng người đàn ông này bị liệt toàn thân. Gánh nặng gia đình khi đó đổ dồn lên vai bà Hạnh Trân, đã gần 50 tuổi.
Hơn một năm sau, người chồng qua đời. Mất phương hướng, bà Hạnh Trân từng có ý định tự tử. "Nhưng lại nghĩ thương con, nó còn nhỏ quá, sẽ rất khổ nếu chẳng còn ai", bà nhớ lại. Cũng có người khuyên nên bán con cho gia đình khác nhưng bà cũng cương quyết từ chối, vì sợ Đông Hồng không được đối xử tốt.
Để nuôi con gái, Hồ Hạnh Trân làm mọi việc từ nhặt rác, bán rau đến làm thuê làm mướn. Có lần đi nhặt rác được người ta cho miếng ăn, bà cũng để dành mang về cho con, tiết kiệm từng chút một để Đông Hồng được đến trường.
Biết mẹ vất vả nên Đông Hồng rất chăm chỉ học tập, thường đứng đầu lớp. Khi lên cấp 2, cô bé này vừa đi học vừa làm thêm ở một tiệm ăn trên thị trấn, kiếm thêm tiền đỡ đần mẹ. Nhưng khi lên cấp 3, bà Hạnh Trân không còn đủ tiền để cho con gái học tiếp.
Năm đó, khi các bạn đã bắt đầu nhập học, Đông Hồng vẫn mải miết đi làm thêm. Một lần, cô hiệu trưởng đi qua nhìn thấy nên đứng lại hỏi chuyện. Biết hoàn cảnh, giáo viên này đã nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện trong thành phố. Nhờ vào số tiền được ủng hộ, cô bé lại tiếp tục được đi học và thi đỗ đại học ba năm sau đó.
Trong những năm con học đại học, Hồ Hạnh Trân dù đã già nhưng vẫn đi nhặt rác, giúp việc để thêm tiền cho con ăn học. Sau khi con gái tốt nghiệp, mẹ nuôi đã ngoài 60 tuổi, nhiều năm lao lực nên sức khỏe cũng đi xuống nghiêm trọng.
"Mẹ chỉ mong con lập gia đình, nhắm mắt xuôi tay cũng yên tâm", bà Hạnh Trân nói với con nuôi. Người phụ nữ này chia sẻ rằng, không biết mình còn sống được bao lâu nên phải nhìn thấy con gái có người chăm sóc thì bà mới thanh thản.
Đông Hồng sống đúng như kỳ vọng của mẹ nuôi, cô học thành tài rồi kết hôn và sinh một đứa con. Sau đó, cô đưa mẹ lên thành phố sống cùng mình. Tuy nhiên, người mẹ không quen với cuộc sống đông đúc nơi phố thị nên quyết trở về quê. Nhưng do căn nhà ở quê đã quá cũ kỹ nên Đông Hồng không yên tâm để mẹ nuôi trở về.
Cuối cùng, con gái đã quyết định mua một mảnh đất rồi xây cho mẹ một căn biệt thự hai tầng, giống như mơ ước của bà khi trẻ. Ngay lập tức, hành động của Đông Hồng nhận được rất nhiều lời tán dương không chỉ của người làng, mà cả những người không quen biết.
Tuy vậy cô gái này cho rằng, đó là việc nên làm. "Mẹ đã vất vả cả đời nuôi tôi, thực hiện ước mơ cho bà là việc nên làm". Toàn bộ tiền tiết kiệm của Đông Hồng đã dành mua đất, xây nhà cho mẹ. Thậm chí cô còn vay mượn thêm, để mẹ có được một căn nhà khang trang như bà mong muốn.
"Đó chẳng thấm tháp gì với công sức của bà. Dù không phải ruột thịt nhưng với tôi, bà là người mẹ vĩ đại nhất", cô nói.
Vy Trang (Theo 163