Không có tháng nào chi tiêu dưới 45 triệu đồng
Thùy Linh (28 tuổi) và Minh Tiến (35 tuổi) đã về chung một nhà được 3 năm và có 1 cô con gái 3 tuổi.
Hiện tại, Linh đang là nhân viên kiểm toán mảng Thuế, còn Tiến là CFO (Giám đốc tài chính) cho 2 doanh nghiệp nhỏ. Dù cả vợ lẫn chồng đều làm trong lĩnh vực tài chính, nhưng cả hai lại thừa nhận bản thân vẫn chưa giỏi quản lý tài chính trong gia đình.
“Cưới nhau và có con, chúng mình mới nhận ra quản lý tài chính gia đình khó hơn quản lý dòng tiền cho doanh nghiệp. Vì chi tiêu gia đình có rất nhiều thứ dễ phát sinh, giả sử như tiền đưa con đi chơi chẳng hạn. Đến giờ là hơn 3 năm về chung một nhà rồi, nói thật là mình vẫn chưa tìm được cách để quản lý tài chính trong gia đình đâu. Chỉ tạm gọi là chi tiêu có kế hoạch thôi” - Thùy Linh thú nhận.
Chia sẻ về mức chi tiêu của gia đình trong 1 tháng, Thùy Linh nhẩm tính sơ sơ cũng ra con số 48,3 triệu đồng, thậm chí có tháng còn hơn.
Các chi phí hàng tháng của gia đình Thùy Linh, Minh Tiến
Hàng tháng, ngay sau khi nhận lương, Thùy Linh và chồng sẽ đi mua 2-5 chỉ vàng, gửi vào tài khoản tiết kiệm 70 triệu đồng.
“Tùy vào giá vàng cao hay thấp mà chúng mình sẽ mua ít hay nhiều, từ cuối tháng 12 năm ngoái đến bây giờ, mỗi tháng, chúng mình chỉ mua 2 chỉ thôi. Trước đó, giá vàng thấp hơn thì mua 5 chỉ. Khoản cố định là 70 triệu gửi tiết kiệm. Vì chúng mình đang ở nhà thuê, có mục tiêu mua nhà trong 2 năm nữa nên lãi tiết kiệm thấp vẫn gửi, gia vàng cao cũng vẫn mua” - Thùy Linh chia sẻ và cho biết thói quen mua vàng, gửi tiết kiệm hàng tháng đã được 2 vợ chồng áp dụng suốt 3 năm về chung 1 nhà.
Với số tiền còn lại, cô sẽ thanh toán các chi phí cố định như tiền học phí cho con, tiền thuê giúp việc, tiền thuê nhà. Vì phụ nữ có nhiều thứ phải mua hơn (đồ trang điểm, dưỡng da,...) nên hai vợ chồng thống nhất tiền chi tiêu cá nhân cho vợ sẽ là 6 triệu đồng, còn tiền chi tiêu cá nhân cho chồng là 4,5 triệu đồng.
“48,3 triệu đồng là con số mình ước tính thôi, vì khoản ma chay hiếu hỷ và tiền về quê là không cố định hàng tháng. Cả nhà mình đều có bảo hiểm sức khỏe, em bé trộm vía cũng không đau ốm nên tiền thăm khám, đi bệnh viện không đáng bao nhiêu. Nhưng theo mình nhớ được là không có tháng nào nhà mình tiêu dưới 45 triệu” - Thùy Linh giải thích và còn cho biết thêm vì không giỏi quản lý tài chính nên chuyện cuối tháng hết tiền vẫn xảy ra thường xuyên.
Gia đình 2 người nhưng có 5 nguồn thu nhập, không thể sống thiếu bác giúp việc
Thừa nhận không giỏi quản lý tài chính trong gia đình, nhưng tháng nào cũng mua vàng, lại tiết kiệm được 70 triệu, đồng thời chi tiêu 45 triệu/tháng, chắc hẳn dòng tiền vào của gia đình Thùy Linh không thể là một con số nhỏ?
Với câu hỏi này, Thùy Linh khẳng định: “Chắc chắn rồi, phải kiếm được tiền, chúng mình mới chi tiêu, tiết kiệm ở mức đó được chứ”.
Ảnh minh họa
“Chồng mình là CFO cho 2 doanh nghiệp nhỏ, quy mô dưới 100 nhân sự. Vì tính chất công việc cộng thêm uy tín sẵn có trong nghề, nên chồng mình gần như làm việc tại nhà, chủ yếu là đi họp khoảng 3-4 lần/tháng thôi.
Mình hiện đang làm full-time cho 1 trong 4 công ty Big4. Bên cạnh đó, mình cũng làm kế toán cho cửa hàng kinh doanh quần áo của bạn mình.
Ngoài 4 nguồn thu nhập trên, vợ chồng mình còn góp vốn đầu tư một chuỗi cửa hàng trang sức bạc từ 6 năm trước, lợi nhuận được chia theo quý” - Thùy Linh chia sẻ về 5 nguồn thu nhập của gia đình.
Với mức độ làm việc “căng đét” như vậy, cô thừa nhận hai vợ chồng không thể sống thiếu bác giúp việc. Ngày nào cũng phải 7-8h tối, Thùy Linh mới về tới nhà; chồng cô dù không phải tới công ty làm việc nhưng cũng không giỏi bếp núc để có thể hỗ trợ vợ khoản này.
“Bé nhà mình đã đi học rồi nên bác giúp việc chỉ phải đón bé buổi chiều và nấu bữa tối cho hai đứa mình. Vợ chồng mình đều bận, về tới nhà chỉ có thể cố gắng dành thời gian cho con thôi, không thể làm được gì khác. Thiếu bác vài hôm là mọi thứ không đâu vào đâu cả” - Thùy Linh kể và khẳng định không sợ gì, chỉ sợ bác giúp việc xin nghỉ.
Nhìn lại mức thu nhập và mức chi tiêu của gia đình, Thùy Linh cho biết cả hai vợ chồng vẫn có thể tiết kiệm được nhiều hơn hàng tháng. Tuy nhiên, nếu như vậy, cuộc sống sẽ không được thoải mái, vợ chồng lại dễ xích mích, ảnh hưởng tới công việc nên quan điểm của cặp vợ chồng này chính là: “Tiết kiệm ở mức vừa phải thôi, quan trọng nhất vẫn là cuộc sống và tinh thần phải thoải mái, vì công việc đã đủ áp lực rồi” .