Bước sang quý II, các yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước đang có nhiều biến động gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và nhiều kênh đầu tư khác. Tỷ giá tăng nóng khiến Ngân hàng Nhà nước phải có nhiều động thái để đối phó thậm chí có thể cân nhắc nâng nhẹ lãi suất huy động, bên cạnh đó những bất ổn từ bối cảnh thế giới cũng như sức khoẻ của doanh nghiệp trong nước là những yếu tố mà nhà đầu tư cân quan tâm.
Sức khoẻ của nền kinh tế thực
Kết thúc quý I, tăng trưởng GDP đạt 5,66% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt kịch bản đề ra và cũng là quý I tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2024. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá trái với sự lạc quan ở số liệu tăng trưởng GDP, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế vẫn chưa có sự phục hồi thực sự tích cực.
GS TS. Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, năm 2023 sự suy giảm tổng cầu khiến tăng trưởng của Việt Nam khó khăn nhất trong 10 năm vừa qua, trừ hai năm chịu tác động của dịch COVID-19.
Còn theo báo cáo từ SSI Research, số liệu tăng trưởng quý I của Việt Nam chưa có sự bứt phá quá mạnh trên mức nền thấp nhưng cũng đánh dấu sự khởi đầu tích cực, đặc biệt đối với lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu và bất động sản.
Tuy nhiên, trong quý II, kinh tế vĩ mô được dự báo ổn định và phục hồi tốt hơn. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược Dragon Capital, cho rằng kinh tế Việt Nam tiếp tục cho thấy những tín hiệu phục hồi rõ nét với nền tảng cả chính sách tiền tệ và tài khoá nới lỏng, lợi nhuận doanh nghiệp quý I khá tốt.
Theo ông, định hướng của Chính phủ về tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi kinh tế là rất rõ nét. Khi nhìn vào bức tranh vĩ mô trong nước, các chỉ số về sản xuất, PMI, xuất nhập khẩu, lạm phát, tăng trưởng cung tiền đều đang phục hồi duy chỉ có tỷ giá tiêu cực.
Vị Giám đốc chiến lược của Dragon Capital nhấn mạnh, ba yếu tố "trụ cột" trong vĩ mô có thể tác động đến sự phát triển của thị trường chứng khoán gồm: Ổn định – Tăng trưởng – Chính sách tiền tệ. "Trước kia, chúng ta có ổn định và chính sách tiền tệ nới lỏng rất mạnh nhưng chưa có tăng trưởng, bây giờ lại có tăng trưởng nhưng chính sách tiền tệ đang có chiều hướng siết lại một chút và ổn định đang có phần dao động", ông nói.
Áp lực tỷ giá gia tăng
Yếu tố thứ hai có thể gây rủi ro cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới là sự gia tăng của tỷ giá. Các biến động về mặt ổn định vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá và lãi suất và các động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ là yếu tố cần phải theo dõi trong thời gian tới.
Phân tích thêm về yếu tố này, ông Lê Anh Tuấn cho biết, tính đến thời điểm hiện tại tỷ giá VND mất giá gần 5%. Đây là yếu tố bất ổn khiến NHNN phải đối phó nhiều nhất trong quý I.
Chính vì áp lực tỷ giá, NHNN phải phát hành tín phiếu gửi tín hiệu đến thị trường rằng chính sách tiền tệ không nới lỏng quá mạnh và sẽ thu hẹp lại. Sau khi phát hành 172.000 tỷ đồng tín phiếu, lãi suất OMO tăng từ 1% lên tới khoảng 4%.
Chuyên gia từ Dragon Capital dự báo mức lãi suất liên ngân hàng này sẽ duy trì trong một thời gian nữa cho đến khi nào lạm phát của Mỹ có tín hiệu giảm mạnh.
Đánh giá nguyên nhân của biến động tỷ giá, ông Tuấn cho rằng tỷ giá tăng nóng chủ yếu do chênh lệch lãi suất VND - USD ở mức âm, bất ổn ở thị trường vàng và tiền mã hoá.
Hai nguyên nhân đầu tiên cũng được nhiều đơn vị phân tích. USD mạnh lên khiến tỷ giá tăng cao, ngoài ra vàng thế giới tăng mạnh cũng phát sinh nhu cầu USD ở thị trường chợ đen để nhập khẩu vàng. Từ đó khiến USD khan hiếm và đẩy tỷ giá USD/VND càng tăng cao.
Nguyên nhân thứ ba theo ông Tuấn là việc tiền mã hoá tăng mạnh gây áp lực mua USD chuyển sang thị trường tiền số nên tỷ giá cũng bị ảnh hưởng.
Ông dự báo để tìm điểm cân bằng giữa tỷ giá và lãi suất, lãi suất tiền gửi trong nước sắp tới có thể tăng 50-150 điểm trong 3-6 tháng tới. Chính sách tiền tệ vẫn nới lỏng, lãi suất chỉ thay đổi từ mức “cực kỳ thấp” và duy trì ở mức “thấp”.
Dù vậy, ông Tuấn cũng nhấn mạnh chính sách tiền tệ ở giai đoạn hiện tại thậm chí còn nới lỏng hơn cả năm 2009. Khi đó, lãi suất cho vay khoảng 6,5% còn bây giờ thấp hơn chỉ từ 5-6%.
Fed có thể lùi thời gian hạ lãi suất
Về bối cảnh kinh tế thế giới, chuyên gia từ Dragon Capital nhấn mạnh nhà đầu tư cần quan tâm đến các vấn đề về lạm phát và chính sách tiền tệ giữa các nước lớn.
Lạm phát có thể sẽ khó trở lại vùng 2% và nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức 3,3–4%. Trong khi châu Âu có thể sẽ cắt lãi suất sớm và mạnh hơn thì Fed ngày càng thận trọng hơn trong khả năng cũng như số lần cắt lãi suất trong năm 2024. Nhiều dự báo cho rằng, Fed có thể chỉ giảm lãi suất tối đa hai lần trong năm 2024.
"Đây chính là chu kỳ cuối cùng trong giai đoạn lãi suất cao của Fed, thay vì kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ba lần trong năm nay, thị trường đang kỳ vọng Fed chỉ hạ lãi suất từ một đến hai lần", ông Tuấn nói.
Nguyên nhân là lạm phát của Mỹ ‘cứng đầu’ hơn. Điều này cũng khiến đồng USD tăng cao so với kỳ vọng. USD mạnh gây ảnh hưởng đến đồng tiền của nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.
Đồng thời, trong tháng 4 và tháng 5, tâm điểm hoạt động của Chính phủ và Quốc hội là việc chuẩn bị văn bản pháp lý hướng dẫn dưới luật và các nghị quyết thí điểm cần trình lên trong kỳ họp Quốc hội tháng 5.