- Cách giao tiếp của các bạn trẻ nói chung hay GenZ nói riêng có sự khác biệt như thế nào với thế hệ trước, điều này mang đến lợi thế cũng như bất lợi nào, theo anh?
Theo quan sát của tôi, các bạn trẻ bây giờ có sự tự tin, cá tính, dám nói lên suy nghĩ của bản thân. Các bạn biết rất rõ mình muốn gì, cần gì. Tôi đánh giá rất cao việc này. Nó giúp các bạn thể hiện được tài năng, khả năng của mình, tự tạo nhiều cơ hội tốt hơn trong công việc cũng như cuộc sống.
Tuy nhiên, sự tự tin thái quá cũng có thể là con dao hai lưỡi. Nhất là khi đối thoại với những đối tượng ở thế hệ đi trước - những người có lối sống, suy nghĩ và cách giao tiếp hoàn toàn khác biệt. Đôi khi, thông điệp giao tiếp thì đúng, nhưng cách giao tiếp lại chưa chuẩn mực, thậm chí gây ra những mâu thuẫn, căng thẳng không đáng có.
Tôi nghĩ rằng, các bạn trẻ ngoài những lợi thế vốn có trong giao tiếp, nên trau dồi, rèn luyện nhiều hơn để trở nên khéo léo, linh hoạt hơn. Thay vì chỉ tập trung thể hiện bản thân mình, cũng nên mở lòng lắng nghe và học hỏi từ người khác.
- Theo anh, những lợi thế của người biết cách giao tiếp, ứng xử trong quá trình làm việc hay trong cuộc sống?
Lợi thế của giao tiếp là điều không cần phải bàn cãi. Biết cách ăn nói không chỉ giúp ích trong công việc mà còn giúp cho mỗi người thành công và thuận lợi hơn trong mọi mặt cuộc sống. Từ gia đình, bạn bè đến chuyện tình cảm đôi lứa cũng rất cần đến kỹ năng giao tiếp tốt. Nhưng tôi cũng muốn lưu ý, sự khéo léo, và chú trọng kỹ năng trong giao tiếp là chưa đủ, vẫn nên cần sự chân thành nữa.
- Anh đã rèn luyện sự tự tin trong giao tiếp như thế nào?
Tôi nghĩ đối với giao tiếp, điều quan trọng nhất là chúng ta rèn luyện, và rèn luyện một cách tự nhiên như những hoạt động thường ngày. Không gì tốt hơn việc thường xuyên ra ngoài, gặp gỡ và trò chuyện với nhiều người. Ban đầu, có thể bạn chưa có nhiều để đóng góp trong câu chuyện, nhưng chỉ riêng việc lắng nghe cũng khiến cho khả năng giao tiếp của bạn trở nên tốt dần lên. Ngoài ra, phim ảnh cũng có thể dạy chúng ta nhiều điều về giao tiếp, nếu chúng ta chăm chú theo dõi và để ý đến những tình huống giao tiếp giữa các nhân vật trong bộ phim.
- Khi gặp một đối tượng nói chuyện làm phật lòng anh, cách xử lý của anh như thế nào?
Trong phạm vi công việc, tôi thường sẽ cố gắng tìm hiểu căn nguyên của vấn đề, rồi sau đó đưa ra cách giải quyết. Còn nếu không liên quan đến công việc, khi ai đó làm phật lòng mình, tôi sẽ cố gắng rút ngắn cuộc nói chuyện và tìm cách rời đi trước khi không khí trở nên căng thẳng hơn.
- Ngoài làm MC, anh còn là diễn giả của các khóa dạy kỹ năng sống. Anh đã thay đổi cách giao tiếp của các bạn trẻ sau khóa học như thế nào?
Tôi nghĩ những kỹ năng về giao tiếp có thể được tìm hiểu thông qua rất nhiều phương tiện, như sách báo, mạng xã hội, các khóa học... tuy nhiên, đối với những bạn trẻ tìm đến với tôi, ngoài những kỹ năng cần có, tôi luôn đưa ra cho họ những ví dụ cụ thể mà chính bản thân tôi đã từng gặp hoặc chứng kiến trong quá trình làm nghề.
Bằng cách đó, tôi hy vọng rằng, những chia sẻ của mình có thể trở nên hữu ích và gần gũi hơn với những bạn trẻ. Tôi đưa ra ví dụ của bản thân, để các bạn thấy rằng, ai cũng có tuổi trẻ, cũng vấp váp, sai lầm. Chỉ cần được định hướng, hỗ trợ về tinh thần, các bạn sẽ dễ dàng hơn trên con đường đến với thành công.
- Bước ngoặt nào đã khiến anh đi thi Én Vàng và trở thành một MC truyền hình, công việc hoàn toàn không liên quan đến ngành anh theo học?
Tôi không coi đó là một bước ngoặt, mà là một ngã rẽ có tính toán. Thú thực, khi còn trên ghế giảng đường, tôi đã nhận ra niềm đam mê của mình. Tôi chỉ cần một lý do, một cú hích để động viên bản thân tin tưởng hơn vào đam mê, ước mơ của mình. Do đó, khi biết đến Én vàng, tôi đã quyết tâm tham gia và giành giải để củng cố niềm tin vào lựa chọn của bản thân. Quá trình cũng không hề dễ dàng. Thực ra, tôi đi thi đến lần thứ ba mới có cơ hội chạm đến ngôi vị cao nhất.
- Hồi trẻ, anh đã bộc lộ những yếu tố nào mà theo anh cần thiết để trở thành người dẫn chương trình?
Theo lời mẹ tôi kể, từ nhỏ tôi đã là một đứa trẻ khá hoạt ngôn. Tôi có khả năng diễn đạt ý khá rõ ràng ngay từ khi còn rất nhỏ. Hơn nữa, tôi còn nhớ rằng mình cũng khá hứng thú với những hoạt động biểu diễn, sân khấu. Nhiều người có thể sẽ sợ hãi khi phải xuất hiện trước đám đông, nhưng tôi thì ngược lại. Tôi thích cảm giác khi được nói trước nhiều người. Tôi nghĩ rằng đó là những yếu tố được bộc lộ sớm, cho thấy đây có thể là công việc phù hợp đối với mình.
- Những yếu tố này bộc lộ từ khi nào và đã được anh nuôi dưỡng như thế nào?
Như tôi đã chia sẻ, những yếu tố này được bộc lộ từ khá sớm. Tuy nhiên, với định hướng học tập và nghề nghiệp khi ấy, tôi chưa thực sự có cơ hội để nuôi dưỡng những khả năng đó một cách có ý thức. Trên thực tế, tôi dành thời gian xem nhiều những chương trình của những người dẫn chương trình nước ngoài. Mục tiêu đầu tiên là để giải trí, mục tiêu thứ hai là để trau dồi vốn ngoại ngữ. Cho đến bây giờ, tôi vẫn tin rằng, đó chính là điều ảnh hưởng rất lớn đến phong cách dẫn, ý thức làm nghề của tôi ngày hôm nay.
- Trong quá trình làm việc, đâu là tai nạn nghề nghiệp đáng nhớ của anh?
Ở ngoài đời, mọi người thường nhận xét tôi khá thoải mái, vui vẻ. Tuy nhiên, vào chương trình hay lên sân khấu, tôi lại khá cẩn trọng và kỹ tính, thậm chí khó tính. Vậy nên để nói về tai nạn nghề nghiệp, thú thực là không có nhiều. Chỉ có 1 đôi lần, tôi bị nói nhịu ngay trên sóng trực tiếp, thậm chí không nhận ra để sửa sai. Tuy nhiên, cũng rất may mắn, những lỗi đó không quá lớn để gây khó chịu cho khán giả.
- Cảm ơn anh về những chia sẻ!