Dự thảo Luật TT, ATGT đường bộ quy định các trường hợp CSGT được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát. (Ảnh: Như Hoàn)
Tài xế xuất trình giấy tờ đã tích hợp trên VNeID
Bộ Công an đang lấy ý kiến cho dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông (TT, ATGT) đường bộ tới ngày 13/9 tới đây.
Theo Bộ Công an, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TT, ATGT) đường bộ đã bổ sung quy định chi tiết nhiều nội dung về đăng ký, cấp biển số xe cụ thể, rõ ràng hơn, bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, phục vụ người dân.
Trao đổi với PV về dự thảo Luật TT, ATGT đường bộ đang được lấy ý kiến, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư Hà Nội) đánh giá dự thảo luật có nhiều nội dung và quy định mới, phù hợp với xu thế phát triển thời đại công nghệ 4.0, qua đó tạo sự tiện lợi cho người tham gia giao thông.
“Theo khoản 5, Điều 54, dự thảo Luật TT, ATGT đường bộ quy định về “Quyền hạn của CSGT khi tuần tra, kiểm soát”, CSGT có quyền dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc trường hợp quy định tại Điều 55 Luật này để kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa, hành lý, giấy tờ của phương tiện và người điều khiển phương tiện nhằm phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.
Trường hợp thông tin giấy tờ của phương tiện, người điều khiển phương tiện đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì thực hiện kiểm soát các thông tin giấy tờ đó trên tài khoản định danh điện tử;
Như vậy, nếu quy định này của dự thảo được thông qua thì tài xế không phải mang theo hàng loạt loại giấy tờ như trước mà chỉ cần mang theo điện thoại thông minh cài ứng dụng VNeID. Khi đó, làm việc với CSGT, tài xế chỉ cần mở ứng dụng định danh điện tử VNeID lên và xuất trình các loại giấy tờ cá nhân như căn cước công dân, giấy phép lái xe hay đăng ký xe đã được tích hợp trên ứng dụng.
Tất nhiên, các giấy tờ này chỉ được tích hợp khi các tài xế đã đăng ký tài khoản định danh cấp 2 trên VNeID” – luật sư Trần Tuấn Anh phân tích.
CSGT được dừng phương tiện trong trường hợp nào?
Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết thêm, một trong những nội dung đáng chú ý khác của dự thảo Luật TT, ATGT đường bộ là quy định về “Căn cứ dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát”.
“Theo Điều 55, dự thảo Luật TT, ATGT đường bộ, CSGT được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật.
2. Những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà buộc phải dừng phương tiện để kiểm soát trực tiếp mới phát hiện được.
3. Có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh.
4. Có tin báo, tố giác, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật”- luật sư Trần Tuấn Anh viện dẫn dự thảo và cho biết đây là một trong những nội dung mới so với Luật giao thông đường bộ năm 2008.
Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thống nhất đưa dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông; tăng cường tính công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân; trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thời hạn lấy ý kiến tới ngày 13/9/2023. |