Bồi thường một tỷ USD nếu hủy thương vụ
Theo tài liệu nộp lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) hôm 26/4, Twitter sẽ phải trả phí chấm dứt hợp đồng là một tỷ USD trong trường hợp dừng thỏa thuận bán cho Elon Musk với giá 44 tỷ USD. Ngược lại, Musk cũng phải nộp số tiền tương tự nếu đổi ý.
Tài liệu liệt kê khoản phí một tỷ USD đền bù sẽ được áp dụng nếu Musk không trả đủ tiền như cam kết; Twitter chấp nhận một đề nghị chào mua khác; hoặc các cổ đông bỏ phiếu bác đề nghị của Musk. Twitter cũng không được kêu gọi hay đàm phán với bất kỳ bên mua tiềm năng nào khác sau thỏa thuận, kể cả được trả giá cao hơn.
Thương vụ dự kiến khép lại vào ngày 24/10. Tuy nhiên, ngày hủy bỏ sẽ được kéo dài thêm 6 tháng nếu hai bên muốn có thêm thời gian để đáp ứng các điều kiện pháp lý hoặc quy định nhất định.
Ngoài ra, tài liệu của SEC cũng ghi chi tiết các thay đổi với chương trình cổ phiếu thưởng cho nhân viên của Twitter, do mạng xã hội này sẽ rút niêm yết sau khi thương vụ hoàn tất.
Musk không được xúc phạm Twitter trên Twitter
Theo thỏa thuận, Musk phải "tự mình cư xử đúng mực" trên mạng xã hội, trong đó các tweet của ông không được "làm mất uy tín công ty hoặc bất kỳ đại diện nào thuộc công ty". Tuy nhiên, tỷ phú Mỹ vẫn được đăng thông tin về sáp nhập hoặc giao dịch dự tính trên mạng xã hội này.
Theo một số chuyên gia, thỏa thuận được đưa ra sau khi Twitter nhận thấy các tweet của Musk trên nền tảng có tác động lớn tới dư luận. Đây có thể cũng là lý do Musk xóa một số nội dung đã đăng sau khi có thông tin ông mua Twitter.
Dù vậy, Musk không bị ngăn cản trong việc chế giễu người khác trên nền tảng. Tuần trước, tỷ phú này đã đăng ảnh so sánh Bill Gates với người đàn ông có bầu.
Không được phân tâm về thương vụ
Thỏa thuận giữa Musk và Twitter cũng đưa ra quy tắc để cả hai không bị phân tâm khi mua bán. Các tác động bên ngoài, như sự phản đối của công chúng hay nhân viên, đều không thể là lý do khiến đôi bên rút lui.
Điều khoản này được đánh giá có ý nghĩa thực tế vì thương vụ vấp phải sự phản đối từ nhân viên Twitter. Ngày 25/4, Thượng nghị sĩ Mỹ Elizabeth Warren cũng viết trên Twitter rằng việc Musk mua lại mạng xã hội là "sự nguy hiểm cho nền dân chủ".
Tài liệu cũng quy định Covid-19 hoặc bất kỳ đại dịch nào trong tương lai, các cuộc tấn công mạng, các quy định pháp lý thay đổi, hay các yếu tố khách quan chưa biết trước khác cũng không thể được sử dụng làm lý do để một trong hai bên hủy bỏ thỏa thuận. Nếu làm điều này, khoản đền bù một tỷ USD sẽ được kích hoạt.
Musk chỉ được quyền hợp nhất Twitter
Theo thỏa thuận giữa đôi bên, Twitter sẽ sáp nhập vào một công ty khác thuộc sở hữu của Elon Musk. Điều đó khác với việc Musk mua đứt Twitter - cách tiếp cận được cho là mang tính thù địch hơn.
Để thực hiện, Musk đã thành lập ba công ty cổ phần có tên X Holdings I, II và III. Những doanh nghiệp này được tạo ra để mua lại hoặc hợp nhất với Twitter theo phương thức trực tiếp hoặc gián tiếp, theo hồ sơ của SEC. Tất cả các hồ sơ về công ty đều gọi kế hoạch là "Dự án X".
Ngoài ra, việc thành lập các công ty trên cũng tạo tiền đề cho Musk về khả năng hợp nhất danh mục đầu tư của mình với các công ty mà ông đang điều hành bao gồm Tesla, SpaceX, Boring Company và Neuralink. Tất cả có thể về dưới một trong số các công ty mẹ nói trên.
Năm 2020, tỷ phú Mỹ từng tỏ ra hào hứng với ý tưởng đưa các doanh nghiệp mình đang điều hành về dưới một công ty mẹ tên "X". Tuy nhiên, trong sự kiện TED hồi giữa tháng 4, ông thừa nhận quá trình này sẽ gặp nhiều khó khăn và rất khó thực hiện.