Theo Fortune, Meta, công ty mẹ Facebook và WhatsApp vừa công bố mối quan hệ hợp tác mới với JioMart, một cửa hàng tạp hóa trực tuyến thuộc sở hữu của tập đoàn Reliance Industries do tỷ phú giàu thứ hai Ấn Độ Mukesh Ambani điều hành, cho phép người dùng WhatsApp ở Ấn Độ có thể mua sắm trực tiếp thông qua ứng dụng.
Người dùng WhatsApp ở Ấn Độ có thể nhắn “hi” tới JioMart để bắt đầu mua sắm. Chatbot của JioMart sẽ ngay lập tức phản hồi bằng một danh mục hàng tạp hóa để đặt hàng. Người dùng sau đó chỉ cần nhập địa chỉ của họ và thanh toán thông qua ứng dụng.
“Đây là trải nghiệm mua sắm từ A đến Z đầu tiên của chúng tôi trên WhatsApp. Giờ đây mọi người có thể mua hàng tạp hóa từ JioMart ngay trong một cuộc trò chuyện”, CEO Mark Zuckerberg chia sẻ trên Facebook. “Những tin nhắn kiểu như này sẽ là cách giao tiếp hàng đầu giữa khách hàng và doanh nghiệp trong những năm tới”.
Lần hợp tác này đã chính thức hóa vai trò của ứng dụng như một công cụ kinh doanh, đồng thời thắt chặt thêm mối quan hệ giữa Meta và Reliance Industries chỉ 2 năm sau khi Meta, lúc đó được gọi là Facebook, đầu tư 5,7 tỷ USD mua 9,9% cổ phần của Jio Platforms, chi nhánh công nghệ của Reliance Industries .
“Khi Jio Platforms và Meta công bố mối quan hệ hợp tác vào năm 2020, Mark và tôi đã chia sẻ tầm nhìn về việc đưa khách hàng và các doanh nghiệp lên nền tảng trực tuyến, đồng thời tạo ra các giải pháp sáng tạo, mang lại sự tiện lợi cho cuộc sống hàng ngày của người dân Ấn Độ”, Mukesh Ambani, Chủ tịch Reliance Industries nói.
Theo Fortune, động thái trên của Mark Zuckerberg hiện thực hóa mục tiêu tạo ra một siêu ứng dụng. Khái niệm này hiện còn đang mờ nhạt và thường được các công ty và nhiều nhà lãnh đạo sử dụng để mô tả trạng thái “nhồi nhét” thật nhiều các tính năng trong cùng một ứng dụng và chúng khác biệt hẳn so với những chức năng cốt lõi.
Ví dụ, một siêu ứng dụng công nghệ tài chính có thể bắt đầu bằng các khoản thanh toán hoặc mua ngay trả sau… Đối với các phương tiện truyền thông xã hội, đây có thể là nơi tích hợp nhiều tính năng mua sắm. Còn trong lĩnh vực giao hàng và gọi xe, siêu ứng dụng lại ám chỉ các phương thức vận tải và hàng hóa mới.
Trước đó, hồi năm 2019, Mark Zuckerberg đặt tham vọng biến các nền tảng của Meta trở thành một công cụ tích hợp “cuộc gọi, trò chuyện video, nhóm, câu chuyện, doanh nghiệp, thanh toán, thương mại và… nhiều dịch vụ tư nhân khác”.
Cùng năm, Zuckerberg cho biết việc không lắng nghe lời khuyên từ Jessica Lessin của The Information hồi năm 2015 để học theo WeChat là một thiếu sót lớn. Ứng dụng này sau đó đã trở thành siêu ứng dụng thuộc sở hữu của Tencent, chứa toàn bộ hệ sinh thái các ứng dụng nhỏ. Người dùng có thể thanh toán hóa đơn, mua hàng tạp hóa, chơi trò chơi mà không cần rời khỏi WeChat.
Dịch vụ mới này của WhatsApp có thể giúp Meta kiếm tiền từ thị trường tỷ dân sau khi mua ứng dụng này với giá 19 tỷ USD vào năm 2014. Không giống như các nền tảng khác của Meta là Facebook và Instagram, WhatsApp không kiếm tiền thông qua quảng cáo trực tiếp. Thay vào đó, các doanh nghiệp trả tiền cho WhatsApp để có thể nhắn tin cho những khách hàng tiềm năng nhấp vào quảng cáo Facebook hoặc Instagram.
Theo Yoram Wurmser, chuyên gia phân tích công nghệ tại Insider Intelligence, rất nhiều công ty đã công bố thêm nhiều tính năng hoặc kế hoạch đối với việc xây dựng các siêu ứng dụng toàn năng, trong đó có Meta. Tập đoàn này đang tích cực bổ sung các tính năng mới cho Instagram, giúp người dùng có thể mua sắm ngay trên ứng dụng. Mạng xã hội Facebook cũng có động thái tương tự khi ra mắt tính năng Trò chơi (hồi năm 2018), Hẹn hò (hồi năm 2019) và Podcast (hồi năm 2021).
“Tôi nghĩ một siêu ứng dụng chắc chắn có thể hoạt động ở Mỹ”, ông Shimota, cựu Giám đốc điều hành WeChat cho biết, đồng thời khẳng định sẽ mất khá nhiều thời gian để những ứng dụng này phát triển và đợi người dùng thích ứng.
Hiện Ấn Độ là thị trường lớn nhất của WhatsApp với hơn 500 triệu người dùng. Các doanh nghiệp sẽ dựa vào ứng dụng này để kết nối với khách hàng và nhân viên.
Tháng 10 năm ngoái, các nền tảng mạng xã hội Facebook, Instagram và WhatsApp của Meta đã ngừng hoạt động trong suốt 5 giờ trên toàn cầu. Sự cố mất điện này ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng lên các khách hàng tại Ấn Độ. Giám đốc điều hành của một công ty sản xuất máy phát điện chia sẻ với Fortune rằng, vào thời điểm đó, nếu không có WhatsApp, anh ta sẽ không thể liên lạc với bệnh viện, trường học và một số tổ chức cần điện trong trường hợp khẩn cấp.
Ngoài Meta, các công ty công nghệ Mỹ và châu Âu cũng đang biến những ứng dụng của họ thành một siêu ứng dụng toàn năng. Uber mới đây cũng tuyên bố kế hoạch tạo ra một siêu ứng dụng ở Anh bằng cách tích hợp vé tàu, xe buýt và máy bay và tiền thuê xe hơi. Tại Mỹ, Uber cũng bổ sung thêm tính năng cửa hàng tạp hóa và cung cấp thuốc theo chỉ định bác sĩ.
Theo: Fortune, WSJ