Chứng khoán

Khối ngoại mua ròng 980 tỷ đồng trong tháng 8, tâm điểm SSI và loạt cp ngân hàng

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trong tháng 8 (ngày 31/8), VN-Index đã đóng cửa ở mức 1.280,51 điểm, tăng gần 6,3% so với đầu tháng, nhưng vẫn còn giảm gần 14,4% so với đầu năm 2022.

Giá trị giao dịch bình quân của toàn thị trường tăng 35,7% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 36,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 18.560 tỷ đồng/phiên. Trong đó, trên HOSE đạt 15.795 tỷ đồng/phiên, tăng 35,6% so với tháng 7; trên HNX đạt 1.826 tỷ đồng/phiên, tăng 41,9% so với tháng trước; UPCOM đạt 939 tỷ đồng/phiên, tăng 26,5% so với tháng trước đó.

Nhóm phân tích của VNDirect tin rằng sự phục hồi của thanh khoản thị trường được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản cải thiện tích cực bao gồm lạm phát Mỹ hạ nhiệt xuống mức tăng 8,5% trong tháng 7, trong khi đó lạm phát của Việt Nam hạ xuống mức tăng 3,1% so với cùng kỳ trong tháng 7.

Bên cạnh đó, thị trường kỳ vọng rằng Fed có thể chậm lại đà tăng lãi suất điều hành trong quý IV/22 khi áp lực lạm phát hạ nhiệt và GDP của Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng hai con số trong quý III/22. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới giảm xuống còn 198.988 tài khoản trong tháng 7, giảm 57,3% so với tháng trước, đây là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021.

Một trong những điểm sáng trên thị trường tháng 8 là việc khối ngoại chuyển vị thế từ bán ròng sang mua ròng, với giá trị mua ròng đạt 980 tỷ đồng, tương đương 41,9 triệu cổ phiếu được rót ròng.

Tâm điểm mua ròng SSI và cổ phiếu ngành ngân hàng trên HOSE

Thống kê giao dịch của khối ngoại, mã SSI của Chứng khoán SSI dẫn đầu về quy mô mua ròng trong tuần với 646 tỷ đồng. Lực cầu từ nhà đầu tư nước ngoài đẩy giá SSI tăng gần 12,4% lên 24.000 đồng/cp.

Kế đó, cổ phiếu PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí cũng được khối ngoại gom ròng hơn 471,8 tỷ đồng trong bối cảnh giá dầu neo cao.

Dòng tiền ngoại còn đổ vào một số mã ngân hàng khác như HDB (453,7 tỷ đồng), STB (345,1 tỷ đồng), CTG (328,3 tỷ đồng), SHB (162,8 tỷ đồng),... Nằm ngoài top10 mã được mua ròng mạnh nhất còn có LPB, SSB,...

Lực mua còn xuất hiện tại các cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn như HPG (358,7 tỷ đồng), VNM (280,4 tỷ đồng), NLG (177,5 tỷ đồng), FTS (168,2 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Ở chiều bán ra, mã chứng chỉ quỹ FUEVFVND dẫn đầu với quy mô 768,9 tỷ đồng. Tại thị trường cổ phiếu, KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP dẫn đầu Top bán ròng với quy mô gần 500 tỷ đồng.

Không còn được gom mạnh giai đoạn trước đó, cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang liên tục bị xả ròng trong tháng 8. Tháng qua mã này bị rút ròng với giá trị 372,9 tỷ đồng.

Theo dõi giao dịch cho thấy rằng dòng tiền ngoại còn rút ra ở loạt midcap như TLG (349,6 tỷ đồng), AGG (210 tỷ đồng), HCM (201,6 tỷ đồng), PHR (177,9 tỷ đồng), VCI (144,7 tỷ đồng), VGC (111,2 tỷ đồng).

Sàn HNX được gom ròng hơn trăm tỷ đồng

Tương tự HOSE, NĐT nước ngoài cũng mua ròng trở lại 102 tỷ đồng trên sàn HNX trong tháng 8, tương ứng khối lượng mua ròng là 4,4 triệu cổ phiếu.

Mã VCS của Vicostone có giá trị bán ròng hơn 26,8 tỷ đồng, đứng sau là NVB (8,7 tỷ đồng). Những mã còn lại lần lượt bị rút vốn là HLD (2,3 tỷ đồng), MCF (1,5 tỷ đồng), DP3 (1,5 tỷ đồng),...

Trong khi đó, khối ngoại duy trì mua ròng cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (79,3 tỷ đồng). Dòng tiền ngoại cũng tích cực tìm đến các mã IDC (29,4 tỷ đồng), TNG (16,7 tỷ đồng), SHS (7,1 tỷ đồng) và PVI (3,8 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Khối ngoại duy trì bán ròng gần 230 tỷ đồng trên UPCoM, tâm điểm BSR

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại giao dịch tiêu cực khi tiếp tục bán ròng 229 tỷ đồng, dù quy mô đã giảm 52% so với tháng 7, tương ứng khối lượng bán ròng là 10,4 triệu cổ phiếu.

Ở chiều mua vào, các cổ phiếu đều ghi nhận lực mua thấp hơn 100 tỷ đồng. Mã ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP  được mua mạnh nhất với 67,4 tỷ đồng, theo sau là LTG (25,4 tỷ đồng), VTP (25,1 tỷ đồng), MPC (19,8 tỷ đồng), MCH (6,9 tỷ đồng).

Trong khi đó, cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn là tâm điểm bán ròng với gần 277,3 tỷ đồng. Sau giai đoạn gom ròng mạnh, cổ phiếu đối mặt với áp lực chốt lời từ khối ngoại trong tháng vuwafw qua. Bên cạnh đó, QNS và SIP lần lượt bị rút ròng với giá trị 71,9 tỷ và 28,9 tỷ đồng. Những mã khác trên HNX bị bán ròng dưới 10 tỷ đồng gồm QTP, BTD, AMS, VGT, VCR, CSI, CLX,...

 

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Dự báo về diễn biến thị trường, các nhà phân tích của Chứng khoán VNDirect cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể phải đối mặt với một đợt điều chỉnh ngắn hạn trong tháng 9 khi VN-Index đang tiến tới vùng kháng cự mạnh 1.300 - 1.330 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn nên chủ động hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục để chốt lời và giảm thiểu rủi ro.

Tuy nhiên, nhận thấy các yếu tố cơ bản của thị trường đang được cải thiện, VND tin đợt điều chỉnh này sẽ tạo ra “cơ hội giải ngân tốt” cho các nhà đầu tư để xây dựng danh mục cho quý IV/22 và năm 2023. VNDirect kỳ vọng vùng 1.240 - 1.260 điểm sẽ là hỗ trợ mạnh cho VN-Index trong tháng 9. Nhà đầu tư có thể nâng tỷ trọng cổ phiếu nếu VN-Index giảm về vùng hỗ trợ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm