Meta nằm trong số ít các công ty công nghệ cho phép nhân viên làm việc từ xa hoàn toàn. Các giám đốc được cho phép định cư ở bất cứ nơi đâu họ muốn. Ít nhất ba nhân vật cấp cao của Meta chọn không ở Mỹ mà gắn bó với London.
Trong đó, nổi bật nhất là Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách vấn đề toàn cầu của Meta, đã quay lại Anh. Ông cho biết sẽ thường xuyên qua lại giữa Anh và Mỹ, nhưng nơi ở chính của ông vẫn sẽ là quốc gia châu Âu.
Adam Mosseri, người đứng đầu Instagram, cũng trở về Anh, đồng thời sẽ linh động công việc ở các văn phòng khác như Hawaii và Cape Cod. Nơi đây cũng sẽ thường xuyên có sự xuất hiện của Alex Schulz, Giám đốc tiếp thị Meta.
Nhìn bên ngoài, có vẻ London đang hấp dẫn những nhân vật chủ chốt của Meta hơn so với California. Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng vấn đề còn sâu xa hơn, cho thấy tình trạng hỗn loạn đang âm ỉ bên trong công ty. Một số nhận định các giám đốc Meta đang cố "xa lánh" Mark Zuckerberg, không muốn chịu những áp lực ngày càng tăng từ ông.
Zuckerberg dần cô đơn
Theo The Verge, trong cuộc họp với nhân viên hồi tháng 6, Zuckerberg được cho là phản ứng rất gay gắt khi một người hỏi ông rằng liệu công ty có tiếp tục chính sách Meta Days không. Meta Days là ngày nghỉ bù được Meta áp dụng trong đại dịch.
"Thực tế, có lẽ có rất nhiều người không nên ở đây", tỷ phú 38 tuổi đáp lại. Khi đó, nhân viên Meta không hỏi gì thêm. Nhưng trong bài đăng trên Workplace nội bộ, một người mỉa mai: "Vậy ai đã thuê họ?".
"Thật khó để nói khi các giám đốc cấp cao chuyển sang làm việc ở các quốc gia khác, trái tim của họ vẫn hướng về Menlo Park - trụ sở chính của Meta. Nó có thể đúng trong hoàn cảnh hiện tại, nhưng sự rời đi liên tiếp đặt ra câu hỏi: liệu Zuckerberg có đang ngày càng bị cô lập không?", Telegraph bình luận.
Bên cạnh quyết định không làm tại trụ sở chính, một số giám đốc khác chọn cách nghỉ việc. Cuối năm ngoái, Mike Schroepfer, CTO Facebook, từ chức sau 13 năm gắn bó. Trong khi đó, Antonio Lucio, người tiền nhiệm của Alex Schulz, cũng rời đi từ 2020 để chuyển sang một chuyên gia tư vấn. Fidji Simo, nữ giám đốc 36 tuổi đứng đầu ứng dụng Facebook, chia tay mạng xã hội vào năm ngoái để điều hành ứng dụng giao hàng tạp hóa Instacart.
Đầu tháng 6, Sheryl Sandberg, được đánh giá là có quyền lực thứ hai chỉ sau Zuckerberg, cũng tuyên bố rời công ty. Việc ra đi của bà gây bất ngờ, nhưng thực tế bà đã ngày càng ít xuất hiện trong các cuộc họp quan trọng của Meta gần đây. Có thông tin bà đã nhận được yêu cầu phải từ chức.
Tham vọng metaverse bị ảnh hưởng
Giới quan sát đánh giá, với những gì đang làm, Zuckerberg có thể mất đi sự kết nối với nhân viên. Điều này ảnh hưởng lớn đến các tham vọng tương lai, nhất là metaverse, bởi ông khó có thể bàn bạc các ý tưởng trực tiếp với các cộng sự khi cần, trong khi công nghệ họp ảo chưa hỗ trợ đủ để truyền đạt trọn vẹn nội dung.
Công ty của Zuckerberg được cho là đã rất "nhạy cảm" khi bị so sánh giữa khái niệm metaverse của mình với Second Life, thế giới ảo 3D thương mại xuất hiện những năm 2000. Khi đó, các tập đoàn như Coca Cola, IBM thiết lập văn phòng ảo trong trò chơi và kỳ vọng đây là tương lai của thương mại. Hơn 20 năm sau, còn rất ít người nhớ đến.
Metaverse nhiều khả năng cũng có kết cục tương tự. Năm ngoái, Zuckerberg đổi tên công ty từ Facebook thành Meta với mục tiêu tiến vào vũ trụ ảo. Tuy nhiên, mối quan tâm của công ty dần suy yếu, trong khi sản phẩm chính thức để thể hiện tham vọng này vẫn chưa được tung ra thị trường.
Theo kết quả tài chính mới nhất, Meta lần đầu giảm doanh thu quý do quảng cáo đi xuống, kinh doanh metaverse thua lỗ và sự cạnh tranh từ TikTok. Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá nó còn đến từ tình trạng chảy máu chất xám ở cấp cao nhất. Bloomberg cho rằng hàng loạt tin xấu ập đến đã khiến Zuckerberg bắt đầu cân nhắc việc bán trái phiếu của Facebook lần đầu tiên, trị giá lên tới 10 tỷ USD. Với những thứ đang xảy ra, Zuckerberg có thể bắt đầu cảm thấy cô đơn trên con đường mình đang chọn.